(Người Chăn Nuôi) – Ủ chua cỏ voi cho gia súc là biện pháp bảo quản, dự trữ cỏ voi thông qua quá trình lên men yếm khí. Nguồn thức ăn này có thể bảo quản trong thời gian dài, hơn nữa mang lại cho gia súc nguồn dinh dưỡng dồi dào.
Thành phần dinh dưỡng
Cỏ voi là loại cây thân thảo, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Đây là loại thức ăn tốt nhất cho gia súc ăn cỏ, gia cầm và cá trắm cỏ… Cỏ voi vừa có thể làm thức ăn tươi vừa làm thức ăn ủ chua, thức ăn hong khô và làm bột cỏ khô để nuôi bò thịt, bò sữa, dê, cá… mà vẫn đảm bảo vật nuôi phát triển bình thường, không cần cho vật nuôi ăn thêm thức ăn tinh. Hàm lượng dinh dưỡng cỏ trong cỏ voi bao gồm:
– Cỏ tươi: Hàm lượng protein thô 4,6%, protein tinh 3%, đường 3,02%.
– Cỏ khô: Hàm lượng protein thô 18,46%, protein tinh 16,86%, đường tổng số 8,3%.
Tuy nhiên, thân lá cỏ voi cứng, vị nhạt nên gia súc không thích ăn, vì vậy, ủ chua cỏ voi làm thức ăn cho gia súc là biện pháp để khắc phục nhược điểm này.
Cỏ voi sau khi được ủ chua đúng kỹ thuật khá thơm, vị hơi chua, nhiều vitamin nhóm B, có chứa nhiều vi khuẩn lên men lactic và trâu, bò rất thích ăn. Lưu ý, không nên sử dụng hoàn toàn thức ăn ủ chua thay thế cho thức ăn thô xanh, vì có thể gây rối loạn tiêu hóa, bị tiêu chảy.
Ủ chua yêu cầu bắt buộc phải băm nhỏ cỏ trước khi ủ
Kỹ thuật ủ chua
Nguyên liệu:
Cỏ voi: 120 kg
Rỉ mật: 3 lít
Cám gạo/Cám ngô: 1 – 2 kg
Muối ăn: 0,5 – 1 kg
Túi ủ chua: 3 – 4 chiếc
Cách làm:
Bước 1: Xử lý nguyên liệu
Băm nhỏ cỏ voi thành những đoạn ngắn 2 – 5 cm. Có thể sử dụng dao thái, băm hoặc máy băm, nghiền cỏ để băm nhỏ cỏ voi dễ dàng.
Nếu quy mô trang trại lớn, nên đầu tư máy băm, nghiền để tiết kiệm thời gian và sức lao động, hơn nữa có thể tận dụng được nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp khác như thân ngô, lạc, rau, rơm rạ… để ủ chua làm thức ăn cho gia súc.
Bước 2: Trộn nguyên liệu
Sử dụng cỏ voi đã qua xử lý băm nhỏ trộn đều với muối ăn, cám ngô/cám gạo và mật rỉ đường theo khối lượng đã chuẩn bị ban đầu.
Sau khi trộn đều, cần kiểm tra độ ẩm của nguyên liệu, độ ẩm đạt 40% là đúng yêu cầu.
Có thể kiểm tra độ ẩm nguyên liệu bằng nhiệt kế đo độ ẩm hoặc ước lượng độ ẩm bằng tay theo kinh nghiệm dân gian: Nắm nguyên liệu bằng tay, nếu giữ nguyên hình dạng là đạt. Nếu nguyên liệu chảy nước là quá ướt thì bổ sung thêm nguyên liệu đã làm. Nếu nắm mà nguyên liệu vỡ ra ngay là quá khô, cần bổ sung nước sạch vào để có độ ẩm thích hợp cho quá trình ủ.
Bước 3: Đóng túi ủ chua
Cho nguyên liệu đã trộn đều vào túi ủ chua khoảng 30 – 50 kg/túi. Cứ xếp được 15 – 20 cm thì nén chặt một lần cho không khí thoát hết ra ngoài. Đến khi đầy túi thì buộc chặt lại, tạo điều kiện yếm khí cho vi sinh vật hoạt động được tốt hơn trong quá trình ủ.
Trong quá trình ủ cỏ voi thì lá vẫn thực hiện quá trình hô hấp làm đầy hơi trong túi. Cần thường xuyên theo dõi, nếu khí đầy căng bảo thì xả khí và tiếp tục buộc chặt.
Bước 4: Tiến hành ủ chua
Phủ một lớp rơm khô khoảng 5 cm lên trên bề mặt thức ăn ủ chua, vuốt hết không khí rồi buộc chặt miệng túi bằng dây cao su.
Sau 7 ngày khối ủ sẽ xẹp bớt xuống thì tiếp tục nén chặt thêm khối ủ, nén càng chặt, loại bỏ tối đa lượng không khí có trong túi thì chất lượng ủ chua sẽ đạt tốt nhất.
Bước 5: Bảo quản thức ăn ủ chua
Quá trình ủ chua sau khoảng 15 – 20 ngày có thể bắt đầu lấy cho gia súc ăn. Các túi ủ sau khi đã hoàn thành, nên để ở nơi râm mát có mái che, tránh nước mưa ngấm vào và đề phòng chuột cắn túi.
Sau khi lấy cho gia súc ăn cần buộc chặt lại để tránh làm hư hỏng khối thức ăn đã ủ, thức ăn bảo quản được lâu hơn, không làm giảm chất lượng.
Cách cho ăn
Vào ngày đầu tiên sử dụng cỏ voi ủ chua nên cho ăn lượng nhỏ để cho gia súc quen dần, sau đó tăng dần và đến ngày thứ 3 hay ngày thứ 4 thì cho ăn lượng tối đa cần thiết.
Lượng thức ăn ủ xanh cho trâu, bò ăn một ngày đêm là: Trâu, bò: 7 – 12 kg; Bê, nghé: 4 – 7 kg. Ngoài ra, vẫn nên cho gia súc ăn thêm cỏ xanh và rơm.
Lưu ý: Gia súc đang mang thai ở thời kỳ cuối, gia súc đang nuôi con, bê, nghé quá nhỏ, những con đang bị tiêu chảy thì hoàn toàn không cho ăn cỏ voi ủ chua.
>> Sử dụng túi ủ chua thay thế cho việc đào hố ủ chua truyền thống giúp người nuôi tiết kiệm được thời gian và công sức chuẩn bị; Dễ dàng vận chuyển và cho ăn; Hạn chế nguy cơ nấm mốc. Hơn nữa, nhiều loại túi ủ chua hiện nay còn có thể tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm chi phí đầu tư. |
Bình An