Kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng hiệu quả

(Người Chăn Nuôi) – Để nuôi gà đẻ trứng đạt hiệu quả tốt nhất, cần chú trọng vào các yếu tố như con giống, vệ sinh chuồng trại, chế độ chiếu sáng, phòng bệnh và quản lý đàn gà.

Chuồng nuôi

Chọn vị trí cao ráo, thoáng mát, tránh xa khu vực trũng thấp, ẩm ướt để đảm bảo chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ.

Nên xây dựng chuồng trại theo hướng Đông Nam hoặc Nam để đón ánh nắng mặt trời vào buổi sáng, giúp tiêu diệt vi khuẩn, mầm bệnh và hạn chế phát sinh nấm mốc.

Chuẩn bị chuồng nuôi là một trong những khâu quan trọng để gà đẻ trứng nhiều. Chuồng nuôi gà đẻ trứng công nghiệp được thiết kế rất đặc biệt gồm các lồng sắt kích thước khoảng 1,2 x 0,65 x 0,38 (m) tương ứng với chiều dài, rộng, cao.

Một lồng có thể nuôi 12 con hoặc từ lồng đó ngăn ra làm các lồng đơn chỉ để cho chúng ăn ngủ, nghỉ vệ sinh một chỗ, như vậy sẽ kiểm soát được năng suất từng con một, lồng được thiết kế đặc biệt có ngăn để trứng rơi ra riêng và ngăn hứng phân riêng.

Các dụng cụ cần thiết bao gồm máng ăn, núm uống nước, ổ đẻ, đèn sưởi (trong điều kiện thời tiết lạnh), và dụng cụ vệ sinh chuồng trại. 

kỹ thuật nuôi gà đẻ

Lựa chọn con giống

Việc chọn giống là yếu tố quyết định năng suất của đàn gà. Các giống gà đẻ trứng phổ biến ở Việt Nam bao gồm gà Ai Cập, gà Isa Brown, và gà Ri lai, vốn nổi tiếng với năng suất trứng cao và khả năng thích nghi tốt. Khi chọn giống, cần lưu ý các tiêu chí như năng suất trứng, sức đề kháng với bệnh tật, kích thước cơ thể và khả năng sinh sản ổn định.

Đối với chọn gà giống 1 ngày tuổi: Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, gà con giai đoạn này phải đạt các tiêu chuẩn về mặt hình thể như: lông bông, bụng thon nhẹ, rốn kín, mắt sáng nhanh nhẹn, chân cứng cáp không dị tật, mỏ khép kín. Đặc biệt về màu lông và trọng lượng, gà con phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn tùy theo giống. 

Yêu cầu đối với gà hậu bị: Tiêu chuẩn chọn gà hậu bị đó là những con gà nhanh nhẹn, chân bóng và cứng cáp. Ngoài ra, người nuôi có thể căn cứ vào giống để quan sát màu lông cũng như trọng lượng cơ thể gà xem đã đạt đúng chuẩn hay chưa.

Khi mua giống gà sinh sản nên mua tăng thêm 50% số con để trong thời gian nuôi hậu bị loại bỏ những con không đạt tiêu chuẩn. Nên loại bỏ những gà mái hậu bị 2 lần lúc 3 và 5 tháng tuổi, loại bỏ những con gà đầu to, bụng xệ quá béo, chân to, mắt lệch, đi lại nặng nề chậm chạp.

Dinh dưỡng

Gà đẻ trứng có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn so với các giống gà thông thường để đảm bảo cho năng suất đẻ trứng cao và chất lượng trứng tốt. Người nuôi cần chuẩn bị đầy đủ thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng của từng giai đoạn để gà nuôi phát triển khỏe mạnh và tăng sản lượng đẻ trứng.

Thức ăn hỗn hợp: Nên sử dụng thức ăn hỗn hợp dành riêng cho gà đẻ trứng, được sản xuất bởi các công ty uy tín, đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho gà.

Thành phần dinh dưỡng: Thức ăn cần có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Nhu cầu dinh dưỡng: Nhu cầu dinh dưỡng của gà thay đổi theo độ tuổi và giai đoạn sinh sản. Cần cung cấp thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn để đảm bảo gà phát triển khỏe mạnh và đẻ trứng hiệu quả.

Lượng thức ăn: Lượng thức ăn cần cung cấp cho gà dựa trên độ tuổi, trọng lượng cơ thể và năng suất đẻ trứng. Nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc nhà sản xuất thức ăn để xác định lượng thức ăn phù hợp cho đàn gà.

Nước uống: Luôn đảm bảo gà có nước sạch và mát. Thường xuyên kiểm tra vi khuẩn trong nước. Nhiệt độ của nước cần đạt 25°C.

Chăm sóc

Vệ sinh chuồng trại đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe đàn gà. Định kỳ 2 lần/tuần tiến hành vệ sinh, tiêu độc và khử trùng, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh và các vi khuẩn gây hại. Cần đảm bảo môi trường chuồng trại luôn sạch sẽ, thông thoáng để gà phát triển ổn định và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh.

Định kỳ loại bỏ cỏ dại, rác thải xung quanh chuồng trại.

Ánh sáng có ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh sản của gà. Thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng cần được kiểm soát chặt chẽ để gà duy trì sản lượng trứng cao. Thông thường, giai đoạn đầu gà mới vào chuồng, cần chiếu sáng 24 giờ/ngày trong tuần đầu tiên. Sau đó, ánh sáng được giảm dần còn khoảng 12 giờ/ngày, rồi tăng dần lên đến 16 giờ/ngày. Cường độ ánh sáng khoảng 20 – 30 lux là hợp lý để gà cảm nhận được điều kiện ánh sáng phù hợp với quá trình sinh sản.

Cần duy trì hệ thống thông gió và đảm bảo tốc độ gió trong chuồng nuôi cần đạt 5 m/s.

Phân loại gà theo độ tuổi, giới tính và sức khỏe để chăm sóc phù hợp.

Phòng bệnh

Người nuôi cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe, cân nặng và tỷ lệ đẻ của từng cá thể. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các chỉ số sức khỏe, tình trạng đàn để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh phù hợp. 

Phát hiện gà có bệnh phải xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời, gà suy dinh dưỡng cần tách nuôi riêng với chế độ đặc biệt.

Các bệnh thường gặp ở gà đẻ bao gồm cầu trùng, viêm phổi, dịch tả, và nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Để phòng bệnh, cần tuân thủ đúng lịch tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát tốt thức ăn và nước uống. Khi phát hiện gà có dấu hiệu bệnh, cần cách ly và điều trị kịp thời để tránh lây lan ra đàn. Cùng với đó, sử dụng thuốc thú y hợp lý, giảm thiểu kháng thuốc và áp dụng các biện pháp chăn nuôi sạch sẽ, khoa học.

Cửa chuồng gà, cửa kho phải có hố sát trùng hoặc khay sát trùng.

Kho đựng thức ăn, dụng cụ máng ăn, máng uống, phương tiện vận chuyển, đồ dùng bảo hộ lao động… phải được vệ sinh sát trùng sạch sẽ.

Thu hoạch

Tùy thuộc vào từng điều kiện cơ sở sản xuất mà thu nhặt trứng có thể được cơ giới hóa hoặc vẫn nhặt trứng bằng tay.

Thời gian thu nhặt trứng phụ thuộc vào loại ổ đẻ.

Có thể thu nhặt trứng 2 – 4 lần/ngày. Phương thức này tốn công lao động. Nếu thu nhặt trứng cơ giới hóa bằng băng chuyền, có thể cho băng truyền chạy 4 lần/ngày hay hoạt động liên tục.

Bảo quản trứng ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

Vệ sinh khay đựng trứng trước khi thu hoạch trứng mới.

Diệu Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *