(Người Chăn Nuôi) – Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế AgroViet 2024 diễn ra tại Hà Nội, ngày 20/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến nông sản giữa hai nước.
Kim ngạch thương mại song phương không ngừng tăng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, thời gian qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mông Cổ đã tăng gấp 2 đến 3 lần (từ 41,5 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023). Riêng 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương đạt 65,5 triệu USD và hai nước đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch song thương lên 200 triệu USD.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ diễn ra ngày 20/11. Ảnh:Đào Trang
Việt Nam và Mông Cổ đều là những quốc gia có nhiều lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu như Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm như gạo, cà phê, trái cây nhiệt đới,… thì Mông Cổ lại nổi tiếng với các sản phẩm thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa có chất lượng cao.
Các chuyên gia nhận định, đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước có thể bổ trợ lẫn nhau, khai thác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu. Thông qua Diễn đàn Xúc tiến Nông sản Việt Nam – Mông Cổ sẽ mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin và hợp tác.
“Chúng tôi hy vọng, những kết quả đạt được từ Diễn đàn này sẽ là nền tảng quan trọng để hai bên tiến xa hơn nữa trong việc tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới”, ông Trần Công Thắng nhấn mạnh.
Nhiều cơ hội và thách thức
Tham dự Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn các thủ tục nhập khẩu thịt dê, cừu vào thị trường Việt Nam; tiềm năng và hợp tác trong chăn nuôi và giết mổ dê, cừu giữa Việt Nam và Mông Cổ; tiềm năng xuất khẩu thịt và trứng gia cầm và cơ hội giao thương với thị trường Mông Cổ…
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng kỳ vọng, Diễn đàn sẽ là nền tảng quan trọng để hai bên tiến xa hơn trong thương mại song phương. Ảnh:Đào Trang.
Phân tích về “Tiềm năng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ dê, cừu với Mông Cổ”, Phó Vụ trưởng, Phó chánh Văn phòng, Ủy ban Biên giới quốc gia Doãn Khánh Tâm, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ nêu rõ, do thời tiết khí hậu của Mông Cổ thuộc xứ hàn đới nên việc chăn nuôi đại gia súc phát triển hơn nhiều so với ngành trồng trọt. Đặc điểm chăn nuôi gia súc ở Mông Cổ là chăn thả tự nhiên trên thảo nguyên rộng lớn, gia súc được ăn khoảng 3.000 loại thảo dược trên thảo nguyên mênh mông, chất lượng thịt thơm ngon. Nước này cũng đã gia nhập Tổ chức Thú y thế giới từ năm 1989. Tuy nhiên, giao thông vận tải lại là vấn đề gây cản trở trong giao thương Việt Nam – Mông Cổ.
Phía Mông Cổ cũng bày tỏ thiện chí và cho biết hoan nghênh Việt Nam gia nhập Hiệp định vận tải đường sắt 3 bên Mông Cổ – Nga – Trung Quốc đã được ký kết từ năm 2016. Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam ngày 5/11/2023 của Tổng thống Mông Cổ cũng chính thức nhắc lại việc Chính phủ Mông Cổ sẽ chủ động làm việc trước phía Trung Quốc để tạo thuận lợi cho Việt Nam gia nhập Hiệp định này. Trong tương lai, triển vọng về giao thông vận tải giữa Việt Nam và Mông Cổ hứa hẹn sẽ tươi sáng.
Hiện nay đã có đường bay thẳng từ Việt Nam sang Mông Cổ và thực hiện miễn visa hai chiều nhằm khuyến khích xuất khẩu và du lịch. Nhưng đường bay mới bắt đầu đi vào khai thác từ năm 2023 và mới chỉ có ở TP Hồ Chí Minh nên vẫn chưa thể tối ưu khâu vận chuyển.
Ngoài khó khăn về logistics, một trong những vấn đề đáng lưu ý, theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà, đó là xuất khẩu hàng hóa, nhất là xuất khẩu gia cầm vẫn còn gặp rào cản kỹ thuật hồ sơ pháp lý và thủ tục xuất khẩu khiến sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam yếu thế trên thị trường thế giới.
“Mặc dù thủ tục xuất nhập khẩu hiện đã được tháo gỡ nhưng vẫn chưa thực sự đơn giản hóa, làm mất nhiều thời gian trong quá trình xuất khẩu của doanh nghiệp”, bà Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bày tỏ, rất muốn xuất khẩu nhưng nguồn vốn vay từ các ngân hàng thường có lãi suất cao, nên doanh nghiệp nhiều khi không dám vay vì làm không có lợi nhuận đáng kể.
Một mảng hợp tác nữa cũng tiềm năng đó là dự án đầu tư dây chuyền giết mổ, chế biến thịt, nghiền xương gia súc… Trong đó, vấn đề xương gia súc là vấn đề nhức nhối với Chính phủ Mông Cổ, được Chính phủ quan tâm. Một số doanh nghiệp tại Diễn đàn cũng đề xuất để mở rộng hoạt động xuất khẩu nông lâm sản Việt Nam, cần đơn giản hóa hồ sơ pháp lý để giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ nguồn vốn, gói vay đặc biệt cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác và phân phối thịt dê, cừu Mông Cổ tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Thùy Khánh