(Người Chăn Nuôi) – Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra rằng, sử dụng các chuỗi axit béo trung bình có trong dầu dừa bổ sung vào khẩu phần thức ăn có thể cải thiện được hiệu suất và sức khỏe của heo con.
Vai trò của chuỗi axit béo trung bình (MCFAs)
Từ năm 2006, lệnh cấm sử dụng các loại kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi được ban hành. Từ đó, việc tìm kiếm các loại dinh dưỡng và các loại thuốc có khả năng thay thế nhằm tối ưu hóa quá trình chuyển đổi trong cai sữa cho heo con và giúp giảm thiểu bệnh được ruột luôn được quan tâm. Một số sản phẩm được chọn làm thay thế như các enzyme, probiotic, prebiotic, các axit hữu cơ… có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc được kết hợp với nhau để cải thiện sức khỏe cho vật nuôi; chủ yếu thông quá quá trình axit hóa của đường tiêu hóa hoặc kiểm soát những vi khuẩn có khả năng gây bệnh. Do đó, các chuỗi axit béo trung bình (MCFAs) đã xuất hiện để giảm những tác động tiêu cực liên quan đến giai đoạn sau cai sữa của heo con.
MCFAs được xem như một phương pháp thay thế kháng sinh, gồm các axit béo bão hòa như axit caproic (C6: 0), acid caprylic (C8: 0), acid capric (C10: 0) và axit lauric (C12: 0). Trong tự nhiên, MCFAs có nhiều trong dầu dừa và hạt cọ, chúng được xem như một anion có tác dụng chính trong việc kháng khuẩn.
MCFAs sẽ tác động vào vách tế bào vi khuẩn và màng tế bào chất, ức chế lipase của vi khuẩn, tạo nên cơ chế bảo vệ niêm mạc và thành ruột. MCFAs còn có khả năng kích hoạt các enzyme có khả năng tự phân hủy vi khuẩn đóng vai trò vào các hoạt động chống lại mầm bệnh. Ngoài ra, sự hấp thụ các axit béo không phân ly vào tế bào vi khuẩn có tác dụng gây độc tế bào. Các MCFAs được tách ra thành proton và anion trong tế bào chất cơ bản của tế bào; từ đó, làm giảm độ pH, enzyme trong tế bào chất bị mất đi hoạt tính làm cho tế bào vi khuẩn bị chết và tăng khả năng kháng khuẩn của MCFAs. Như vậy, có thể thấy MCFAs có tác dụng bảo vệ cấu trúc đường ruột và có tác dụng miễn dịch điều chỉnh của heo dựa trên các nghiên cứu; tuy nhiên trong cơ thể của heo lại thiếu MCFAs.
Axit lauric
Axit lauric là axit béo chính có trong dầu dừa, chiếm 45 – 53% các axit béo tổng thể; đồng thời quy định các tính chất của dầu dừa. Axit lauric có hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất trong số tất các các axit béo bão hòa, có khả năng chống lại vi khuẩn gram dương và một số virus, nấm. Theo các nghiên cứu đã được công bố, dưới đây là những vi khuẩn gram dương đã bị ức chế bởi axit lauric: Staphylococcus aureus, S. epidermidis, Streptococcus beta tán huyết (nhóm A và không thuộc nhóm A), nhóm D liên cầu, Bacillus subitilis, Sarcina lutea, Micrococcus sp., Nocardia tiểu hành tinh, Corynebacterium sp., Pneumococcus và Candida albicans. Đối với Clostridium perfringens, axit lauric cho thấy hoạt tính kháng khuẩn cao nhất, tiếp theo là myristic, capric, oleic và axit caprylic.
Hiệu quả kiểm soát vi khuẩn gây bệnh
Một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của các muối natri có gốc của các axit béo có trong dầu dừa để chống lại vi khuẩn Salmonella Typhimurium ở heo con cai sữa. Thí nghiệm gồm 48 con heo con 28 ngày tuổi được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm, thí nghiệm được lặp lại 8 lần:
Nhóm 1: Heo con được cho ăn tự do với chế độ ăn uống cơ bản không bổ sung thêm muối natri của các axit béo từ dầu dừa.
Nhóm 2: Heo con được cho ăn với chế độ ăn uống được bổ sung thêm 3 kg muối natri axit béo của dầu dừa/tấn thức ăn.
Sau 1 tuần thích ứng, các nhóm thí nghiệm được gây nhiễm Salmonella Typhimurium (1,2 x 108 CFU/g). Sau khi tiêm, lượng thức ăn và trọng lượng cơ thể được tiến hành theo dõi. Đồng thời, tiến hành kiểm tra nhiệt độ trực tràng và phân (trước và 2 ngày sau khi cấy) để đánh giá. Vào ngày thứ 4 và thứ 8 sau khi cấy, mỗi con heo con sẽ được lấy mẫu tại manh tràng để đếm mật độ vi khuẩn Salmonella. Trong thời gian thử nghiệm, không có sự khác biệt khi quan sát các thông số sản xuất, lượng phân thải hay nhiệt độ trực tràng ở cả 2 nhóm. Tuy nhiên, số lượng Salmonella bị tiêu diệt có xu hướng cao hơn ở nhóm 2 ở ngày thứ 4 sau khi gây nhiễm và có xu hướng đạt ý nghĩa thống kê ở ngày thứ 8 sau khi gây nhiễm. Các phân tích bán định lượng vi khuẩn Salmonella trong mẫu dương tính cho thấy rằng số lượng các vi khuẩn cũng có xu hướng giảm trong nhóm thứ 2 (Hình 1).
Cải thiện hiệu suất và sức khỏe đường ruột
Một nghiên cứu khác được thực hiện nhằm đánh giá tác động của các muối natri trên các axit béo của dầu dừa đã chưng cất lên hiệu suất và ruột ở heo con. Thí nghiệm gồm 48 con heo con cai sữa lúc 21 ngày tuổi (7,1 ± 0,15 kg) được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm, với 6 lần nhắc lại ở mỗi nhóm:
Nhóm 1: Chế độ thức ăn bổ sung không có muối natri của axit béo trong dầu dừa.
Nhóm 2: Chế độ thức ăn bổ sung có thêm 3 kg muối natri của axit béo trong dầu dừa/tấn thức ăn, trong suốt 2 tuần (21 – 35 ngày tuổi).
Các chỉ tiêu như tổng trọng lượng cơ thể cuối thử nghiệm (BW); tăng trọng trung bình hằng ngày (ADG); lượng thức ăn trung bình hàng ngày (ADFI) và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) sẽ được ghi chép. Mỗi con heo con sẽ được lấy mẫu tại hồi tràng và manh tràng để phân tích vi sinh đường ruột.
So với nhóm 1, heo con ở nhóm 2 có xu hướng nặng hơn 11% và cho thấy sự cải thiện trong FCR (1,35 và 2,32). Hơn nữa, ADG ở nhóm 2 cũng cao hơn ADG (63 g/ngày) và ADFI (24 g/ngày) so với nhóm 1 (Bảng 2). Đồng thời, nhóm 2 cũng có số lượng vi khuẩn coliforms, E. coli và Enterobacteria ở hồi tràng và manh tràng giảm đáng kể (Hình 2).
Kết luận
Việc sử dụng các muối natri của axit béo dừa chưng cất ở 3 kg/tấn thức ăn làm giảm sự xâm nhập của vi khuẩn Salmonella vào ruột ở heo con. Đồng thời, cải thiện năng suất thông số và gây ra một tác động tích cực về sức khỏe đường ruột, điều chỉnh các vi khuẩn đường ruột ở heo con.