Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp

(Người Chăn Nuôi) – Bộ NN&PTNT vừa ban hành Quyết định số 4489/QĐ-BNN-KHCN về kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển Công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030.

Theo đó, có 8 nhiệm vụ và giải pháp chính được đưa ra để thực hiện Đề án, bao gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học nông nghiệp thông qua việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp sinh học trong nông nghiệp.

Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp

Ngành nông nghiệp sẽ tiếp cận, làm chủ công nghệ gen thế hệ mới/công nghệ chỉnh sửa gen trong nghiên cứu, chọn tạo giống vật nuôi chủ lực. Ảnh: ST

Tuyên truyền phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học, giới thiệu mô hình doanh nghiệp công nghiệp sinh học có hiệu quả. Tăng cường thông tin để khuyến khích sử dụng các sản phẩm công nghiệp sinh học nông nghiệp sản xuất trong nước và xây dựng thương hiệu của Việt Nam.

Thực hiện rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo động lực cho phát triển nền công nghiệp sinh học trong nông nghiệp. Trong đó, rà soát hiện trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp. Nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu phát triển, làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp vào sản xuất, đời sống.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về quản lý an toàn sinh học đối với các sản phẩm công nghệ sinh học phù hợp với các cam kết quốc tế và chính sách, pháp luật của Việt Nam. Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp quy mô hàng hóa, bảo đảm phát triển bền vững.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học cải tiến, chọn tạo ra các giống cây trồng, giống vật nuôi, thủy sản có những tính trạng tốt, đặc tính tốt, ưu việt vượt trội mang lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. 

Tiếp cận, làm chủ các công nghệ gen thế hệ mới/công nghệ chỉnh sửa gen trong nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, giống vật nuôi, thủy sản chủ lực nhằm tăng tính chống chịu của giống với điều kiện bất thuận do biến đổi khí hậu; Hình thành cơ sở dữ liệu ADN/barcode/chỉ thị phân tử đối với nguồn gen di truyền bản địa làm cơ sở cho việc bảo tồn, khai thác, phục tráng, phát triển, bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản đặc sản của Việt Nam.

Chăm sóc, bảo vệ vật nuôi, thủy sản, tạo vaccine thế hệ mới phòng bệnh vật nuôi, thủy sản; tạo chế phẩm vi sinh phòng chống sâu bệnh hại trên cây trồng, sản xuất thuốc thú y sinh học có hiệu quả kinh tế cao. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ enzym, protein, vi sinh vật nhằm tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao.

Ứng dụng, làm chủ công nghệ phát triển bộ sinh phẩm (KIT) phát hiện nhanh, kiểm định, đánh giá chất lượng con giống vật nuôi, thủy sản; KIT chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng và kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây trồng; giám định, chẩn đoán độ phì nhiêu, sức khỏe đất trồng trọt, nước tưới.

Đề xuất quy hoạch công nghiệp sinh học lĩnh vực nông nghiệp tại một số tỉnh, thành phố và vùng kinh tế trọng điểm. Gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học công nghệ với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất và sức cạnh tranh các sản phẩm công nghệ sinh học.

Về phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp. Tổ chức thực hiện hoặc lồng ghép với các chương trình đào tạo khác nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của các tổ chức khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và doanh nghiệp công nghiệp sinh học thông qua các hình thức đào tạo trong và ngoài nước.

Đối với cơ sở hạ tầng, sẽ tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực để phát triển công nghiệp sinh học. Trong đó, tập trung đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học cho các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học theo chuyên ngành về cây trồng, chăn nuôi – thú y, thủy sản, enzyme – vi sinh vật; cho các viện nghiên cứu, trường đại học, học viện theo vùng.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ, kỹ thuật mới phục vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp. Tạo điều kiện hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất sản phẩm nông sản ở quy mô công nghiệp trong các lĩnh vực: Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực; phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh vật, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi… phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; vaccine phòng bệnh cho vật nuôi, thủy sản, thuốc thú y sinh học, KIT sử dụng cho chẩn đoán, quản lý dịch bệnh hại quan trọng đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực và kiểm soát dư lượng các chất cấm.

Hình thành nhóm nhiệm vụ hợp tác song phương, đa phương với các nước có nền công nghiệp sinh học tiên tiến để nhanh chóng tiếp cận, làm quen và tiến tới làm chủ công nghệ nền của công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại. Tranh thủ các cơ hội hợp tác để đào tạo đội ngũ cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi và nâng cao trình độ nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Bộ NN&PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chủ động hợp tác và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất công nghiệp sản phẩm công nghệ sinh học có lợi thế cạnh tranh từ nước ngoài.

Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Bộ NN&PTNT yêu cầu hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ ngành nông nghiệp.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *