(Người Chăn Nuôi) – Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1844/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022 – 2030”. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Mục tiêu
Mục tiêu chung của Kế hoạch này là kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò trên địa bàn cả nước; Góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.
Cụ thể
a) Tiêm phòng vaccine VDNC cho trên 80% tổng đàn trâu, bò, bê, nghé (gọi chung là trâu, bò) tại thời điểm tiêm phòng.
b) Chủ động giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm giảm số ổ dịch VDNC dưới 2.000 xã trong năm 2022, hàng năm giảm 20% số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh VDNC so với năm liền kề trước đó.
c) Phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh; Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.
d) Kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, ngăn chặn không để mầm bệnh VDNC xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam.
đ) Nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ, virus, kỹ thuật chẩn đoán, xét nghiệm, lựa chọn giống virus, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học và các giải pháp liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC.
Người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên đàn trâu, bò
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
1. Phòng bệnh bằng vaccine VDNC
a) Nguyên tắc chung
Sử dụng vaccine VDNC để tiêm phòng cho đàn trâu, bò là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và chi phí thấp nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
b) Đối tượng tiêm vaccine
Trâu, bò chưa được tiêm vaccine hoặc đã tiêm vaccine VDNC nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ (theo hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine); Không có biểu hiện triệu chứng điển hình của bệnh VDNC và các bệnh truyền nhiễm khác.
c) Phạm vi tiêm vaccine
– Hằng năm, tổ chức tiêm vaccine VDNC đồng loạt cho trâu, bò trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng.
– Khi có dịch bệnh xảy ra, tổ chức rà soát và tiêm phòng bổ sung vaccine VDNC cho đàn trâu, bò (chưa được tiêm vaccine hoặc đã được tiêm vaccine VDNC nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ) trong phạm vi bán kính tối thiểu 100 km tính từ ổ dịch VDNC hoặc theo địa giới hành chính cấp huyện của địa phương có dịch bệnh VDNC và huyện liền kề xung quanh địa phương có dịch bệnh VDNC.
d) Thời điểm tiêm vaccine
– Hằng năm, tổ chức 1 đợt tiêm phòng chính trước thời điểm dịch bệnh VDNC thường xảy ra tại địa phương, trước mùa phát triển của các véc tơ truyền bệnh VDNC (ruồi, muỗi, ve, mòng…) và vào thời điểm 1 – 2 tháng trước khi hết thời gian miễn dịch bảo hộ đối với trâu, bò đã được tiêm vaccine VSNC.
– Ngoài đợt tiêm chính, các địa phương cần thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm vaccine VDNC bổ sung cho đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng, phát sinh, nhập đàn trước và sau đợt tiêm chính.
đ) Sử dụng và bảo quản vaccine VDNC được phép lưu hành tại Việt Nam theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng vaccine, theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
2. Chủ động phòng bệnh có hiệu quả bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu diệt véc tơ truyền bệnh.
– Chủ cơ sở trâu, bò áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bảo đảm không để gia súc mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
– Chính quyền cơ cở, các cơ quan chuyên môn tổ chức vệ sinh, tiêu độc định kỳ tại khu vực chợ, điểm buôn bán, giết mổ trâu, bò và các sản phẩm của trâu, bò; Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
– Sử dụng hóa chất được phép lưu hành tại Việt Nam và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của chủ sản xuất, đơn vị cung ứng hóa chất tiêu độc khử trùng và tiêu diệt véc tơ truyền bệnh.
3. Giám sát
a) Giám sát chủ động
– Chủ vật nuôi, cơ quan thú y cơ sở chủ động theo dõi, giám sát đàn trâu, bò. Trường hợp phát hiện trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC, chết không rõ nguyên nhân hoặc trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, báo cáo cơ quan thú y địa phương, chính quyền cơ sở để xử lý theo quy định; Cơ quan thú y thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm bệnh VDNC trước khi xử lý gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo quy định.
– Hằng năm, UBND tỉnh bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành virus VDNC tại địa phương có nguy cơ cao, địa phương đã từng có dịch bệnh VDNC.
– Bộ NN&PTNT tổ chức thực hiện giám sát lưu hành virus VDNC trên phạm vi toàn quốc; Giám sát virus VDNC trên trâu, bò và sản phẩm trâu, bò nhập khẩu.
b) Giám sát bị động, điều tra ổ dịch
– Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm virus VDNC đối với trâu, bò có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh VDNC; Trâu, bò nghi có tiếp xúc với đàn trâu, bò mắc bệnh VDNC; Điều tra xác định nguyên nhân nếu nghi đàn trâu, bò mắc bệnh VDNC.
– Chính quyền địa phương chỉ đạo, phối hợp cùng cơ quan chuyên môn thú y tiến hành điều tra ổ dịch.
Ngoài ra, chủ cơ sở chăn nuôi, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp thực hiện cần giám sát trâu, bò sau tiêm phòng.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng yêu cầu cần: Kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; Ứng phó, xử lý ổ dịch, chống dịch, quản lý, chăm sóc gia súc bệnh; Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm; Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh VDNC, vaccine VDNC; Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; Hợp tác quốc tế; Chính sách hỗ trợ cho chủ cơ sở chăn nuôi có gia súc phải tiêu hủy do mắc bệnh VDNC, gia súc chết do tiêm vaccine VDNC…
Kinh phí thực hiện
Từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, kinh phí do người dân, doanh nghiệp chăn nuôi tự bảo đảm và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Bảo Hân