Italia: Cải tổ ngành gia cầm

(Người Chăn Nuôi) – Italia, nước sản xuất gia cầm lớn thứ 4 châu Âu đang cảnh báo tình trạng ngày càng nhiều quy định bất lợi cùng sự thiếu minh bạch trong quá trình ra quyết định của châu Âu khiến ngành gia cầm của quốc gia này suy yếu.

Loại bỏ quy định cũ

Theo các đại biểu tham gia cuộc họp thường niên của Hiệp hội gia cầm Italia (Unaitalia), do gánh nặng quy định của châu Âu ngày càng tăng mà toàn ngành gia cầm của Italia đang dần suy yếu. Do đó, Unaitalia muốn thay đổi các quy định ở cấp độ quốc gia và châu Âu. Họ lập luận rằng, nếu không tiến hành “cải cách”, ngành gia cầm lớn thứ 4 châu Âu sẽ ngày càng kém cạnh tranh và sớm bị đẩy ra ngoài lề.

Chủ tịch Unaitalia, ông Antonio Forlini cảnh báo, quy định chồng chéo của châu Âu đang có nguy cơ khiến toàn bộ hoạt động sản xuất gia cầm của Italia bị ảnh hưởng do gánh nặng chi phí cao hơn trong khi hiệu quả sản xuất đi xuống. Theo ông, cần phải thay đổi chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” của châu Âu để giảm tác động đến môi trường và khí hậu của quá trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận công bằng cho nông dân. Ông Antonio Forlini đại diện cho Unaitalia đề xuất thay đổi các quy định về phúc lợi động vật, khí thải công nghiệp và quy cách đóng gói, bao bì của châu Âu.

gia cầm Italia

Những khó khăn trong vài năm qua đã cho thấy tầm quan trọng của việc loại bỏ những quy định sai lầm trong chính sách sản xuất, đặc biệt là những quy định chung của châu Âu, ông Antonio Forlini cho biết. Theo ông, đổi mới toàn bộ những quy định này là điều hoàn toàn có thể; thậm chí những quy định mới sẽ tồn tại lâu dài nếu được hướng dẫn trên cơ sở khoa học và được quản lý bởi ban ngành liên quan, phù hợp với kỳ vọng của thị trường nhằm cân bằng các tác động môi trường, kinh tế và xã hội.

Unaitalia cho biết, các quyết sách của EU thường bị ảnh hưởng bởi các nghiên cứu của đại học và trung tâm nghiên cứu ở Bắc Âu sử dụng những mô hình chăn nuôi khác Italia. Cùng đó, châu Âu đưa ra hàng loạt các phong trào bảo vệ môi trường và quyền động vật nhưng chưa cân bằng được những lợi ích kinh tế quan trọng trong chăn nuôi.

Giải pháp của Italia

Ông Forlini cho rằng khoa học của Italia phát triển vượt bậc và kêu gọi các cơ quan nghiên cứu thực phẩm nông nghiệp Italia, viện nghiên cứu động, thực vật, các trường đại học, phòng thí nghiệm cần giữ vững lập trường trước các quyết sách chung của châu Âu.

Unaitalia cũng kêu gọi chính phủ tiến hành cải cách nhanh chóng hơn, gồm thực hiện Kế hoạch quốc gia về phục hồi và tiếp sức cho ngành gia cầm để giảm thiểu tác động kinh tế xã hội của COVID-19; thúc đẩy chuỗi cung ứng; hỗ trợ sử dụng năng lượng mặt trời trong nông nghiệp và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Forlini cho rằng, mục tiêu sau cùng là gia tăng sức cạnh tranh cho ngành gia cầm Italia; và đề xuất chính phủ thực hiện sáng kiến có lợi cho người tiêu dùng, ví dụ giảm thuế giá trị gia tăng xuống 4% nhằm đảm bảo tất cả người dân đều có khả năng chi trả sản phẩm trứng và thịt gia cầm.

Trước đó, các nhà sản xuất gia cầm tại Italia gặp nhiều khó khăn. Năm ngoái, sản lượng gia cầm giảm 11,2%, kéo theo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Giống các quốc gia châu Âu khác, Italia cũng bị dịch cúm gia cầm tấn công với thiệt hại ước tính 262 triệu EUR (289,9 triệu USD) từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022. Đầu năm 2023, vùng sản xuất gia cầm lớn nhất nước Emilia-Romagna hứng chịu đợt lũ lụt lịch sử, thiệt hại lên tới 15 triệu EUR (16,5 triệu USD). Bên cạnh những tổn thất do dịch bệnh và thiên tai, chi phí sản xuất tăng 23% so năm ngoái, đồng thời lạm phát trong tháng 5 lên tới 7,6% khiến nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm giảm.n

Vũ Đức

(Theo Thepoultrysite)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *