Huyện Phú Giáo (Bình Dương): Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung

Qua 4 năm triển khai thực hiện kế hoạch về phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện Phú Giáo, đến nay đã đạt được một số thành tựu nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Sự chuyển đổi mạnh mẽ từ quy mô nhỏ lẻ sang trang trại và việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) là thay đổi vượt bậc trong chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn.

Trang trại chiếm ưu thế

Cùng với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh về cây ăn trái, những năm qua huyện Phú Giáo đã có nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy chăn nuôi phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Xác định chăn nuôi heo, gà, bò là các loài vật nuôi chính cần tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Cùng với sự thúc đẩy của một số chương trình, dự án khác đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Về cơ cấu, tổ chức chăn nuôi có sự thay đổi đáng kể, từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô tập trung, chuyên biệt sản xuất hàng hóa. Hiện, toàn huyện có 134 trang trại chăn nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp CNC. Tổng đàn heo là 453 ngàn con; đàn gia cầm hơn 3,5 triệu con; đàn trâu, bò là 4.280 con.

nuôi bò sữa Phú Giáo

Trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Cổ phần Đường Bình Dương (xã Phước Sang, huyện Phú Giáo)

Bên cạnh đó, tính đến nay trên địa bàn huyện còn có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi CNC, như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, Công ty CJ ViNa, Công ty Japfa, Công ty SunJin… Trong đó, có 77 trang trại chăn nuôi heo với tổng đàn 318.764 con, chiếm 70,3%; 56 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn 2.602.438 con, chiếm 74,1% và 1 trang trại chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 1.294 con, chiếm 30,2%.

Thực tế cho thấy, việc chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại chiếm ưu thế so với chăn nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong nông nghiệp, giá trị trong hoạt động sản xuất chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh, tạo được sự liên kết, ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương…

 

Tăng giá trị sản xuất

Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo, cho biết với mục tiêu giảm tỷ trọng, tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, huyện tập trung các nguồn lực để phát triển vật nuôi chủ lực heo, bò, gà… Đồng thời, huyện cũng khuyến khích phát triển các vùng sản xuất tập trung an toàn, đa dạng hóa các loại vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện.

Có thể thấy, việc áp dụng mô hình chăn nuôi CNC giúp giảm bớt sức lực, thời gian cho người lao động; nâng cao độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí; giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để nên đã được xem là xu hướng tích cực cho ngành chăn nuôi hiện nay.

Để ngành chăn nuôi của huyện tiếp tục phát triển theo hướng tập trung, bền vững, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã đề ra một số giải pháp thực hiện thời gian tới là tiếp tục thực hiện và duy trì vùng cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm đã được Cục Thú y công nhận; quy hoạch vùng sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu gắn với các cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến công nghiệp, thị trường tiêu thụ, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, thực hiện việc liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, giúp người chăn nuôi tăng thu nhập. Mặt khác, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh việc nghiên cứu, chọn, tạo các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng phát triển trong chăn nuôi; ứng dụng đồng bộ CNC từ khâu sản xuất, chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, huyện cũng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí quảng bá sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi trên phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, kinh phí giám sát sản phẩm chuỗi định kỳ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến khâu giết mổ gia súc, gia cầm và tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất trong ngành nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội là yêu cầu trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay”.

(Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo)

Thoại Phương

Nguồn: Báo Bình Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *