Hỏi đáp: Phòng và trị một số bệnh ở gà đẻ?

Hỏi: Gia đình tôi nuôi gà đẻ, vừa qua gà có triệu chứng ho, thở hổn hển, hắt hơi, chảy nước mũi, sưng mặt cùng với các triệu chứng chung như sốt, uể oải, giảm ăn và giảm uống, giảm sản lượng trứng 30 – 40% và trứng méo mó dị hình, vỏ mỏng hoặc nhăn gợn sóng, nhạt màu, lòng trắng trứng mất tính nhớt, lòng đỏ trôi nổi tự do. Tỷ lệ gà chết ít khoảng 20%. Xin cho biết cách phòng và trị bệnh này?

Trả lời:

Với các triệu chứng trên có thể chẩn đoán đàn gà bị bệnh viêm phế quản truyền nhiễm, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do Coronavirus gây ra.

Phòng trị bệnh: Đây là bệnh do virus, chưa có thuốc đặc trị do đó phòng bệnh là chủ yếu. Cần sớm cách ly những gà bị bệnh, có thể dùng kháng sinh để điều trị tránh bội nhiễm như: Moxcolis liều 1 g/1 – 2 lít nước, tương đương 1 g/5 kg thể trọng gà, dùng trong 3 – 5 ngày. Hoặc Nexymix liều 1 g/2 – 3 lít nước, tương đương 1 g/10 kg thể trọng gà, dùng trong 3 – 5 ngày. Tăng cường sức đề kháng, trợ sức cho gà, bổ sung các vitamin, chất trợ sức, các chất điện giải, chống xuất huyết, cung cấp năng lượng, như: Amilyte hoặc Unisol 500 hoặc VITROLYTE liều 1 – 2 g/lít nước uống nhằm tăng lực, bổ sung các loại vitamin, điện giải và giải độc. Cùng với đó dùng Vitamin K, chống xuất huyết, uống liên tục đến khi khỏi bệnh. Dùng SORAMIN liều 1 – 2 ml/lít nước uống để tăng cường chức năng gan thận và giải độc. Cho uống liên tục trong suốt quá trình điều trị.

Áp dụng biện pháp phòng bệnh an toàn sinh học như: Vệ sinh, sát trùng một cách nghiêm ngặt chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, lò ấp trứng… bằng các chế phẩm như Navetkon-S, dung dịch Benkocid chuồng trại, BKA chuồng trại. Chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng mát và cách ly xa khu dân cư; kiểm soát người, phương tiện vận chuyển ra vào khu chăn nuôi; trong trang trại chỉ nên nuôi một loại vật nuôi; vệ sinh sát trùng định kỳ, thực hiện chăn nuôi cùng vào – cùng ra; có bố trí hố sát trùng ở cổng trại và các hố sát trùng tại mỗi dãy chuồng nuôi.

Quản lý chăm sóc đàn gà tốt, chuồng trại luôn thông thoáng, nhiệt độ, ẩm độ thích hợp, vệ sinh thức ăn, nước uống và dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ tránh nhiễm bẩn. Gà giống phải được mua từ các cơ sở không mắc bệnh, phải được cách ly theo dõi ít nhất 1 tuần. Xử lý tốt xác chết, phân và chất độn chuồng. Nên loại thải gà đẻ bị mắc bệnh. Bổ sung các chế phẩm phòng chống stress cho gà như: Navet-Vitamin C, Vita-Electrolytes nhất là vào lúc giao mùa, chuyển chuồng. Luôn thực hiện phòng bệnh bằng vaccine là biện pháp chủ động và hiệu quả, có 2 loại vaccine: Vaccine vô hoạt thường dùng cho gà đẻ với đường tiêm bắp thịt (thịt ức) hoặc dưới da vùng cổ, vaccine sống nhược độc dùng cho gà con, gà giò sử dụng đường nhỏ mắt, nhỏ mũi hoặc cho gà uống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *