“Hiến kế” giúp ngành chăn nuôi vượt khó

(Người Chăn Nuôi) – Trong cuộc họp giao ban khối chăn nuôi quý I vừa qua, các hiệp hội ngành hàng đã đưa ra rất nhiều kiến nghị, đề xuất với Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi nhằm tháo gỡ một số vấn đề nóng của ngành hiện nay.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ 

Bàn về câu chuyện tháo gỡ khó khăn quy định công bố hợp quy thuốc thú y, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho rằng: Trước hết chúng ta cần nhận thức rõ đây là quy định đã được công nhận trong luật phải thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bắt đầu từ giữa tháng 2 đến nay, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong Hiệp hội đang vướng. Theo số liệu của Cục Thú y, hiện mới có hơn 10.000 sản phẩm được công bố hợp quy, trong khi đó, mỗi doanh nghiệp có vài trăm đến hàng nghìn sản phẩm. Và nếu theo quy định này, hiện nay chỉ có 3 đơn vị được quyền xác nhận chuyện lấy mẫu để công bố, tuy nhiên thời gian chờ đợi lấy mẫu rất lâu. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam nêu ra một số vướng mắc của ngành chăn nuôi hiện nay.

Ngoài ra, ông Sơn đề nghị bổ sung thêm một số chỉ tiêu quy định liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm như chỉ tiêu Salmonella và E.coli vào trong sản phẩm thịt và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu nói chung, bởi đây là 2 chỉ tiêu liên quan đến an toàn ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, rà soát bổ sung thêm một số quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát được chất lượng nhập khẩu đối với sản phẩm chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng. 

Xuất phát từ thực tế của các doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, kiến nghị nhà nước áp dụng đồng loạt việc không tính thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông nghiệp ở giai đoạn sơ chế, trong chăn nuôi, đó là sản phẩm giết mổ, gia súc, gia cầm, trứng được làm sạch đóng gói. Ngoài ra, nhà nước cần tiếp tục kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi; gia tăng các biện pháp nhập khẩu chính ngạch, xây dựng các hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt góp phần bảo vệ sản phẩm chăn nuôi trong nước. 

Về vấn đề nhập khẩu sản phẩm động vật và chất vỗ véo trong chăn nuôi, ông Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam, lo ngại nhập khẩu gia súc chính ngạch, tiểu ngạch ồ ạt có thể khiến người chăn nuôi, doanh nghiệp điêu đứng. Việt Nam không có quá nhiều lợi thế trong chăn nuôi gia súc lớn, phải nhập giống, đất đai hạn hẹp, đồng cỏ ít, thức ăn nhập ngoại nhiều. Ông Thông đề nghị, đối với nhập khẩu chính ngạch cần xây dựng thêm các hàng rào kỹ thuật. 

Báo động tình trạng nhập lậu gà loại thải qua biên giới 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho biết: Trong văn bản kiến nghị vừa qua, các Hiệp hội có đề xuất đến việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi chính ngạch và nhập lậu. 

Cũng theo ông Sơn, chúng ta đã kiểm soát được gia cầm nhập lậu, đặc biệt là con giống từ biên giới phía Bắc khá tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi trong nước đứng vững và duy trì được. Tuy nhiên, nhập lậu gà thịt loại thải ở biên giới phía Nam hiện nay vẫn diễn ra rầm rộ. Ước tính mỗi tuần nước ta nhập lậu khoảng 60.000 con gà đẻ loại từ biên giới Việt Lào (tương đương khoảng 240 tấn/tuần). Thậm chí, một số doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu chính thức vào Việt Nam, trong đó có sự trà trộn gà đẻ loại thải từ Thái Lan, chủ yếu hai cửa khẩu Cha Lo và Nậm Căn. 

Để kiểm soát tình hình, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đã có văn bản kiến nghị quy định lại phần trăm lấy mẫu tại mục 3, Phụ lục 12 của Thông tư 25. Cụ thể, thay vì 6 container sẽ kiểm tra ngẫu nhiên 1 container thì bây giờ kiểm tra toàn bộ, qua đó sẽ giúp kiểm soát được chất lượng, hạn chế rủi do về dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ được sản xuất chăn nuôi trong nước. 

Ông Sơn cho rằng, đây là dịp để chúng ta rà soát và bổ sung thêm một số quy định chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, nhất là đối với mặt hàng thịt. 

 “Cuộc chiến chống buôn lậu không phải cuộc chiến mang tính thời điểm mà cần làm liên tục. Sắp tới, chúng ta phải tổ chức một chiến dịch kiểm tra việc nhập lậu gia cầm nói chung và gà đẻ loại thải nói riêng ở các cửa khẩu miền Trung, miền Nam để có giải pháp kiểm soát như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong các công điện đã được ban hành”, ông Sơn nhấn mạnh.

gà loại thải

Sản phẩm gà loại thải nhập khẩu có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình chăn nuôi trong nước. Ảnh minh họa.

Tăng cường phối hợp tìm giải pháp

Trả lời kiến nghị của các Hiệp hội liên quan đến hợp quy thức ăn chăn nuôi, sử dụng chất cấm trong trang trại, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Cục sẽ phối hợp với thú y vào cuộc liên tục, chỉ đạo quyết liệt tại địa phương, tăng cường kiểm tra tại cửa khẩu. Đơn vị cũng sẽ tham mưu Bộ đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tình hình chăn nuôi hiện nay. 

Về phía Cục Thú y, Cục trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định: Cục luôn làm theo đúng quy định của Việt Nam và bám sát các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, nhập khẩu sản phẩm động vật phải tuân thủ qua 8 bước nghiêm ngặt. Cục cũng thường xuyên tham mưu Bộ rà soát bổ sung các thông tư. Cùng đó, cần xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, vận động các doanh nghiệp lớn cùng tham gia. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo rất triệt để, toàn diện, giải quyết một số vấn đề cơ bản của ngành chăn nuôi, đặc biệt kiên quyết chống buôn lậu, kiểm soát nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu. 

Nước ta có đường biên giới dài, đường biển dài, rừng cây ở phía Bắc rộng lớn, nếu không chống buôn lậu thì chăn nuôi khó có thể bứt phá. Buôn lậu sẽ tạo áp lực lên ngành chăn nuôi. Do vậy, chống buôn lậu được sẽ duy trì giá, làm lợi cho hàng triệu hộ nông dân. 

Thị trường hơn 100 triệu dân của Việt Nam là mơ ước của nhiều quốc gia nhưng đồng thời chúng ta cũng phải làm tốt xuất khẩu. “Sự phối hợp giữa các Hiệp Hội sẽ góp phần quan trọng giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, qua đó giúp ích cho ngành chăn nuôi vượt khó phát triển”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định. 

>> Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho rằng: Trước mắt, các doanh nghiệp vẫn cần thực hiện theo việc công bố hợp quy, nhưng do thời gian thực hiện lâu, nếu chờ đợi đến lúc được công nhận công bố hợp quy thì việc lưu thông sản phẩm sẽ gặp khó khăn, đề nghị Chính phủ ra một nghị định đó là không xử phạt. Về lâu dài, theo thông lệ quốc tế, nên bỏ công bố hợp quy thuốc thú y và nên bổ sung thêm thức ăn chăn nuôi. 

Thùy Khánh

(Bài và ảnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *