Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu tiêu dùng và sử dụng sản phẩm động vật tăng cao dẫn đến việc vận chuyển, lưu thông giết mổ động vật gia tăng. Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ trà trộn việc kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không an toàn dịch bệnh.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, tiểu thương tại chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín), nhu cầu tiêu dùng gia cầm của người dân đang tăng trở lại, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán 1 – 2 tấn gia cầm; những ngày cận Tết có thể tăng 20 – 30%. “Hiện nay, gia cầm chủ yếu từ trang trại thuộc các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh… và các cửa hàng đều quan tâm đến hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Bình cho biết thêm.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, để kiểm soát sản phẩm động vật, ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ. Từ đầu năm đến nay, số lượng động vật từ các tỉnh nhập về Hà Nội khoảng hơn 27.000 con trâu, bò; 430.843 con lợn; hơn 38 triệu con gia cầm… Qua kiểm tra, từng bước đã ngăn chặn được gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ đưa về chợ đầu mối.
“Tuy nhiên, hiện nay khó khăn trong kiểm soát động vật là do Hà Nội cũng như các tỉnh tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao. Nhiều địa phương chưa hình thành được các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gây khó khăn cho truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm…”, ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.
Theo nhận định của Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn diễn biến rất phức tạp, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát trở lại, như: Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng… Cùng với đó, tình hình buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu từ các tỉnh biên giới về sẽ tăng…
Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm bán trên thị trường, theo bà Đinh Thị Hải Yến – Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân), các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật lưu thông trên thị trường để minh bạch thông tin an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở yêu cầu các đơn vị duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật 24/24 giờ; tổ chức tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết với các cơ sở giết mổ, sơ chế, thu gom, buôn bán động vật và sản phẩm động vật; đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch tại địa bàn thành phố theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến công tác dịch bệnh trên địa bàn kết hợp với kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, tình hình vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vào địa bàn Hà Nội và từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố; phối hợp kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu…
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới