Những năm trở lại đây, các loại thức ăn nuôi gia cầm đồng loạt tăng giá, trong khi giá bán gia cầm có xu hướng giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Đồn Xá (huyện Bình Lục) có nguy cơ thua lỗ. Vậy, làm thế nào để hỗ trợ các hộ chăn nuôi vượt khó, ổn định phát triển sản xuất? Đó chính là vấn đề đặt ra không chỉ đối với người chăn nuôi mà cả với cấp ủy, chính quyền xã Đồn Xá.
Đã nhiều tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến hàng loạt hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Đồn Xá lo lắng “đứng ngồi không yên”. Anh Nguyễn Trung Chính ở thôn Thiên Lý là hộ nuôi gà nhiều năm nay cho biết: Hiện, gia đình tôi nuôi khoảng 10.000 con, giống gà công nghiệp. Khoảng 45 ngày tôi lại cho xuất chuồng một lứa. Sau mỗi vụ thu lãi về khoảng 130 triệu đồng/lứa. Tuy nhiên, hiện nay giá thức ăn tăng cao, từ 325 nghìn đồng/bao trước đây nay lên 350 – 370 nghìn đồng/bao. Trung bình mỗi bao thức ăn “đội giá” khoảng 25 – 45 nghìn đồng (chưa kể các khoản chi phí khác), cứ theo đà này chi phí đầu vào cao hơn so với giá trị thu về, những người nuôi như tôi khó mà có lãi, thậm chí phải bù lỗ.
Mô hình chăn nuôi gia cầm của hộ gia đình anh Nguyễn Trung Chính.
Cũng như anh Chính, anh Ngô Văn Lập (thôn Thiên Lý), có kinh nghiệm trong chăn nuôi gà được hơn 10 năm chia sẻ: Hiện nay, tôi nuôi khoảng 7.000 con, giống gà công nghiệp. Trước đây, khi giá thức ăn chưa tăng, mỗi ngày đàn gà của tôi tiêu thụ khoảng 14 bao/ngày, tương đương với 4.500.000 đồng tiền thức ăn, tuy nhiên giá thức ăn tăng cao nên “đội giá” thêm khoảng 450.000 đồng/ngày.
Để khắc phục phần nào những khó khăn hiện nay, anh Lập đã sử dụng nguồn thức ăn phối trộn từ phụ phẩm nông nghiệp như các loại rau, quả có trong tự nhiên, vì vậy chi phí thức ăn cũng giảm bớt được phần nào. Theo một chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở thôn Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá, từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi nhiều lần tăng giá, người chăn nuôi giảm đàn mạnh, nhiều người tính đến việc chuyển sang nuôi con giống khác. Do đó, lượng thức ăn bán ra thị trường cũng giảm đáng kể.
Nếu như năm 2023, xã Đồn Xá có 110 hộ chăn nuôi gia cầm với quy mô hơn 500.000 con/lứa, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 300.000 con/tháng thì hiện tại số lượng hộ chăn nuôi giảm xuống chỉ còn 75 hộ với quy mô 350.000 con/lứa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn là do giá bán gia cầm không ổn định, giá bán con giống, thức ăn tăng cao, khí hậu khắc nghiệt, không khí ô nhiễm, dịch bệnh diễn biến phức tạp… Nhiều hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ, lợi nhuận đạt thấp, vì vậy không đủ chi phí đã tạm dừng việc chăn nuôi.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Xá Trần Ngọc Bình, do ảnh hưởng từ nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn nhập về có chiều hướng tăng, nên giá thức ăn cũng vì thế bị đẩy lên. Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi gia cầm, UBND xã chỉ đạo HTX nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động cập nhật thông tin giá cả thị trường, lựa chọn vật nuôi phù hợp có tiềm năng, lợi thế của địa phương khi tăng đàn, tái đàn, tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu.
Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện, hỗ trợ các hộ chăn nuôi vay vốn để kịp thời khắc phục khó khăn. Ngoài ra, khuyến cáo các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp, nhằm giảm chi phí. Đồng thời, đổi mới phương pháp chăn nuôi, đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Lựa chọn đối tác cung ứng vật tư, con giống, tìm đầu ra sản phẩm để bảo đảm chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ.
Bùi Linh
Nguồn: Báo Hà Nam