Liên tiếp trong 4 tháng gần đây, giá heo hơi ở nước ta tiếp tục giảm mạnh và hiện nằm ở mức đáy, thấp nhất trong hai năm qua.
Vào thời điểm hiện tại, giá heo xuất chuồng giao động quanh mức 48 đến 52 ngàn đồng/kg; có lúc giảm mạnh về mức 45 ngàn đồng/kg ở khu vực phía Bắc và 47 ngàn đồng/kg ở khu vực phía Nam.
Theo kết quả khảo sát mới đây cho thấy, nguồn cung heo thịt đến giai đoạn xuất chuồng khá dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường có xu hướng giảm. Mặt khác, tình trạng dư nguồn cung cũng diễn ra tại nhiều nước trong khu vực, kể cả nước tiêu thụ thịt heo khá lớn là Trung Quốc, giá heo xuất chuồng cũng chỉ ở mức 2,1 USD/kg. Điều đó phản ánh đúng với xu hướng chung của thị trường toàn cầu, chịu nhiều tác động từ suy thoái kinh tế thế giới.
Trong những tháng gần đây, giá heo ở nước ta liên tục giảm mạnh
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo số liệu của Sở NN-PTNT, tính đến hết tháng 2/2023, tổng đàn heo của tỉnh là 384.860 con, tăng 3,9% so với cùng kỳ; sản lượng thịt heo hơi đạt 12.260 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều lứa heo thịt đã đến thời kỳ xuất chuồng, nhưng nhiều hộ nuôi vẫn cầm cự, phân vân, chưa muốn bán khi giá heo hơi xuống thấp.
Điều đáng nói là, dù giá heo hơi xuất chuồng giảm sâu trong thời gian qua, thì ở chiều ngược lại, chi phí chăn nuôi heo mỗi ngày lại tăng thêm. So với thời điểm cách đây hai năm, giá cám tăng hơn 100 ngàn đồng/bao, hiện ở mức 350 ngàn đồng/bao cho heo sinh sản, hơn 400 ngàn đồng/bao cho heo thịt.
Qua tính toán cho thấy, tổng chi phí chăn nuôi cho mỗi con heo tới khi xuất chuồng (trọng lượng 100 – 120 kg) hết khoảng 6,2 – 6,5 triệu đồng. Với mức giá heo hơi hiện tại, người nuôi chỉ thu về khoảng 5,5 – 5,7 triệu đồng, lỗ từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng/con.
Gánh nặng lớn nhất trong chi phí nuôi heo là thức ăn chăn nuôi (TACN). Theo đó, để nuôi một con heo đến khi xuất chuồng, thì TACN chiếm khoảng 4,32 – 4,8 triệu đồng. Nếu cộng cả thức ăn cho heo sữa (khoảng 500.000 đồng/con) thì riêng phần chi phí TACN cho một con heo đến khi xuất chuồng hết khoảng 4,82-5,3 triệu đồng, chiếm khoảng 77,4 – 81,5%.
Nếu tính cả chi phí con giống, thuốc thú y, nhân công… thì với mức giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi đang phải gồng mình chống đỡ vì thua lỗ nặng. Nhiều hộ chăn nuôi kể cả các trang trại đang có xu hướng “treo chuồng” hoặc giảm quy mô thả nuôi.
Nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã và đang tìm mọi cách để gỡ khó cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và cho lĩnh vực nuôi heo nói riêng. Tuy nhiên, căn bệnh trầm kha về giá TACN liên tục biến động tăng vẫn chưa có thuốc đặc trị, khi mà các doanh nghiệp chế biến TACN phải nhập khẩu tới 85-90% nguyên liệu từ nước ngoài.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu TACN và nguyên liệu chế biến TACN (nhiều nhất là đậu tương, khô dầu đậu tương, ngô, cám …) vào khoảng 6 tỷ USD/năm và có xu hướng ngày càng tăng.
Gỡ khó cho người chăn nuôi heo là một yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “treo chuồng” hoặc giảm quy mô thả nuôi của các hộ dân. Trên cơ sở những giải pháp mang tính lâu dài, không bị động khi nguồn cung nguyên liệu chế biến TACN phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực.
Cụ thể, trong ngắn hạn, cần giảm thuế suất nhập khẩu cho các mặt hàng nguyên liệu chính dùng để chế biến TACN; và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi được tham gia gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/ TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Về lâu dài, cần chủ động tạo nguồn nguyên liệu chế biến TACN bằng việc quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất đậu tương, ngô… để giảm dần và tiến tới thay thế các sản phẩm nhập khẩu.
Đồng thời, các hộ chăn nuôi, nhất là các trang trại nuôi heo, cần tăng cường các biện pháp phối trộn TACN từ những nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương để giảm bớt các chi phí đầu vào trong chăn nuôi heo.
Hoàng Lê
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu