Giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi giảm, khiến người nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Trước tình hình trên, nhiều hộ tại tỉnh Lào Cai đã chọn cách tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, tự sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí chăn nuôi.
Gia đình anh Lù Chẩn Lèng, thôn Lùng Phình A, xã Nậm Chảy (Mường Khương) hiện có hơn 200 con lợn thịt. Để vỗ béo đàn lợn, mỗi tháng cần gần 50 tấn thức ăn công nghiệp. Đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến gia đình anh trăn trở khi hạch toán chi phí. Làm sao để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi là vấn đề ưu tiên số một nếu không muốn thua lỗ. Qua tìm hiểu, anh quyết định đầu tư thiết bị, chọn giải pháp làm cám trộn tại nhà. Anh mua các nguyên liệu thô sẵn có tại địa phương (ngô, cám gạo, đậu tương…), các loại vitamin và khoáng chất rồi phối trộn, tạo ra thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn lợn. Anh Lèng cho biết: Với cách làm này, tôi tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ tại địa phương, cắt giảm được khâu trung gian, so với sử dụng cám công nghiệp thì cám tự phối trộn rẻ hơn từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg.
Anh Lù Chẩn Lèng, xã Nậm Chảy, Mường Khương đầu tư máy để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo anh Lèng, ngoài giảm chi phí thì thức ăn tự phối trộn còn giúp lợn có chất lượng thịt chắc và thơm ngon hơn, vì vậy, giá bán cao hơn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp.
Bà Phạm Thị Tám, xã Trì Quang (Bảo Thắng) đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của gia đình để tự phối trộn thức ăn cho đàn vật nuôi. Bà Tám cho biết: Mỗi lứa, gia đình tôi nuôi khoảng 10 con lợn, 500 con gà, ngoài ra còn có ngan, vịt. Chăn nuôi quy mô hộ gia đình nên tôi xác định lấy công làm lãi. Tôi tận dụng nguồn cám gạo từ quá trình xay xát, trộn thêm cám ngô, cá rô phi, rau, cỏ quanh nhà cho lợn, gà ăn. Tuy vật nuôi lớn chậm hơn so với cho ăn cám công nghiệp nhưng đổi lại giảm được chi phí thức ăn. Đặc biệt, do thời gian nuôi dài hơn, thức ăn phần lớn có nguồn gốc tự nhiên nên sản phẩm chăn nuôi chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, đàn gà của gia đình bán với giá trên 80.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 đồng/kg so với gà nuôi bằng thức ăn công nghiệp.
Xã Quang Kim (Bát Xát) có 64 ha nuôi thủy sản tập trung với giá trị sản xuất đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm. Các hộ ở đây chủ yếu nuôi cá rô phi, cá chép, trắm thương phẩm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, các hộ nuôi thủy sản ở Quang Kim gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng (tăng gần 200.000 đồng/bao so với năm 2019). Trong khi đó, do tác động của đại dịch Covid-19, sản lượng tiêu thụ giảm, giá bán thấp, có thời điểm giá bán thấp hơn giá thành. Để duy trì sản xuất, nhiều hộ đã đổi mới quy trình nuôi, thay đổi từ sử dụng thức ăn công nghiệp sang thức ăn tự phối trộn. Theo đó, nguyên liệu gồm ngô hạt, đậu tương, cám gạo, bột tôm, bột cá, tỏi… Tất cả được trộn theo công thức, sau đó cho vào máy nghiền ép thành cám viên cho cá ăn.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, ở thời điểm giá cám công nghiệp cao như hiện nay, sử dụng thức ăn phối trộn mang lại nhiều lợi ích: Giúp giảm chi phí thức ăn từ 10% đến 20%, người chăn nuôi chủ động lựa chọn nguyên liệu trong công thức, có thể thay đổi theo mùa thu hoạch nông sản tại địa phương và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu này; chủ động khẩu phần dinh dưỡng, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, thức ăn luôn tươi mới giúp vật nuôi phát triển thuận lợi nhất. Ngoài ra, ở phương thức này, người nuôi dễ kiểm soát được các chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh. Đây là hướng đi phù hợp với mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi an toàn mà người nuôi và người tiêu dùng đang hướng tới.
Nông dân xã Quang Kim tự sản xuất thức ăn cho cá từ nông sản địa phương.
Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo: Để có được nguồn thức ăn và dinh dưỡng tốt phục vụ chăn nuôi, người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Khi lựa chọn nguyên liệu thức ăn phối trộn hoặc thức ăn tự nhiên phải bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc, tuân thủ công thức cho gia súc, gia cầm theo từng giai đoạn sinh trưởng.
Mặc dù thức ăn tự phối trộn có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn một số hạn chế. Hiện nay, một số hộ chăn nuôi vẫn phối trộn thức ăn chăn nuôi theo thói quen, chưa quan tâm tới thành phần dinh dưỡng, đối tượng sử dụng… Việc sử dụng thức ăn không đúng cách, dùng quá nhiều hoặc quá ít, không theo lứa tuổi của vật nuôi sẽ dẫn tới tăng chi phí và giảm hiệu quả chăn nuôi.
Kim Thoa
Nguồn: Báo Lào Cai