Tại Thừa Thiên – Huế, đàn trâu không chỉ giảm gần 2% so với năm trước, mà giá còn giảm mạnh khiến người nuôi gặp khó khăn.
Ông Đặng Duy Thân ở xã Hương Phong (TP. Huế) thường duy trì đàn trâu hơn 10 con. Ngoài trồng lúa, nuôi trâu được xem là nghề chính giúp gia đình ông Thân và nhiều người dân Hương Phong thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tuy nhiên gần đây, giá trâu giảm mạnh khiến ông Thân cũng như nhiều hộ nuôi trâu gặp khó khăn.
Ông Thân chia sẻ, một thời giá trâu thịt mỗi con vài chục triệu đồng trở lên, sau đó giảm dần đến nay chỉ còn 10 triệu, thậm chí thấp hơn. Trước đây, lái buôn thường về tận địa phương để mua trâu, giờ họ không về mua nữa. Giá trâu giảm mạnh lại còn không có người mua.
Đàn trâu sinh sản
Để chủ động trong tiêu thụ, tránh lái buôn ép giá, nhiều hộ nuôi quyết định tự mổ trâu bán. Mỗi con trâu dao động trên dưới 1 tạ thịt. Với giá bán hiện nay mỗi kg 200 – 250 ngàn đồng thì mỗi con trâu thịt tự giết mổ bán cũng được 20 triệu đồng trở lên. Ông Thân bảo, tự giết mổ bán mới có lời, đây cũng là biện pháp giữ trâu chờ giá tăng mới bán.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong thông tin, tổng đàn trâu trên địa bàn xã hiện tương đối lớn, chủ yếu trâu thương phẩm. Chính quyền địa phương vận động người dân chủ động nuôi nhốt, giữ trâu chờ đến khi giá tăng mới bán. Hoặc khuyến khích người dân tự giết mổ để bán được giá hơn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ước tổng đàn trâu đến cuối năm nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 15 ngàn con, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đàn trâu giảm là do hiện nay ở khu vực nông thôn xuất hiện nhiều ngành nghề có thu nhập khá đã thu hút lao động tham gia. Điều này khiến số người chăn nuôi trâu, bò giảm, bên cạnh đó đồng cỏ chăn nuôi ngày càng thu hẹp làm số lượng đàn trâu, bò giảm.
Về giá trâu giảm, ông Nguyễn Văn Hưng lý giải, thời gian gần đây, do tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu trâu sang nước này gặp khó khăn nên giá trâu giảm sâu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi. Đàn trâu của các tỉnh phía Bắc tương đối lớn nhưng mức tiêu thụ nội địa thấp, trong khi đó việc thương lái thu mua chuyển sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch dừng hẳn nên lượng trâu thịt bị tồn đọng rất lớn. Ngoài ra, một lượng lớn sản phẩm thịt bò nhập vào có giá thấp hơn thị trường Việt Nam cũng tác động đến giá trâu thịt trong nước.
Trước thực trạng tiêu thụ khó khăn như hiện nay, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi trâu tiếp tục theo dõi thị trường, giữ đàn, không nên tăng đàn trong thời điểm này. Để giảm giá thành, người chăn nuôi cần phải xác định nuôi trâu, bò ở những vùng có lợi thế về đồng cỏ và phải hướng đến chăn nuôi trâu, bò như một phần của chuỗi nông nghiệp khép kín.
Trong quá trình nuôi cần tăng cường sử dụng nguồn thức ăn, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương như tận dụng cỏ tươi, rơm rạ, thân cây ngô, lạc, sắn, khoai, rỉ mật, bã bia… để phối trộn làm thức ăn nhằm giảm giá thành chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh với sản phẩm thịt trâu, bò nhập khẩu trên thị trường. Đồng thời, tăng nguồn thu từ việc chế biến phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi trâu, bò.
Để chăn nuôi trâu phát triển ổn định, các địa phương cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết trong chăn nuôi để tránh bị ép giá và kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần tập trung triển khai và đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh trên đàn gia súc vụ xuân; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, hạn chế thiệt hại kép xảy ra.
Bài, ảnh: Hoàng Thế
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế