Giá heo hơi chạm đáy, người nuôi đuối sức

(Người Chăn Nuôi) – Gần đây, giá heo hơi liên tục có chiều hướng đi xuống, được cho là mức giá thấp nhất trong 2 năm qua. Điều này khiến người chăn nuôi “đứng ngồi không yên”, thế nhưng có một nghịch lý vẫn luôn diễn ra đó là dù giá heo hơi giảm mạnh thì giá thịt heo vẫn luôn ở mức cao.

Thấp nhấp trong 2 năm qua

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, 7 tháng đầu năm 2021, giá heo thịt hơi xuất chuồng tại trại theo xu hướng giảm, rõ nét nhất từ tháng 4/2021 sang các tháng 5, 6 và 7/2021, thời điểm hiện nay, giá dao động ở mức 54.000 – 57.000 đồng/kg tại miền Bắc; Tại miền Trung – Tây Nguyên là 55.000 – 59.000 đồng/kg; Và tại miền Nam là 50.000 – 55.000 đồng/kg, có địa phương do giãn cách xã hội giá xuống dưới 50.000 đồng/kg. Trong khi đó nếu chăn nuôi theo chuỗi, từ nuôi heo nái đến nuôi heo thịt giá thành sản xuất khoảng 48.000 – 52.000 đồng/kg; Chăn nuôi phải mua con giống giá thành 57.000 – 60.000 đồng/kg. Như vậy với mức giá heo hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi cũng không còn thu được lợi nhuận nhiều như các tháng đầu năm 2021. So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh 20.000 – 25.000 đồng/kg.

giá heo hơi

Giá heo hơi hiện vẫn đang có xu hướng giảm – Ảnh: Vissan

Báo cáo của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc trong điều kiện dịch COVID-19 của Bộ NN&PTNT (Tổ công tác 3430) cho biết, tính đến ngày 26/8/2021, Nghệ An hiện có khoảng 600.000 con heo trọng lượng từ 75 kg trở lên. Giá thịt heo hơi xuống thấp, giá heo hơi xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi trong tỉnh là 55.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất nên bà con nông dân đang hết sức lo lắng.

Tại tỉnh Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của khu vực phía Nam, các nhà chăn nuôi đang gánh chịu đợt giảm giá nặng nề kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Nếu so với thời điểm từ tuần đầu tiên tháng 6 đến nay, giá heo hơi tại đây đã giảm mạnh đến 20.000 đồng/kg. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, với con heo 100 kg, giá thành chăn nuôi khoảng hơn 7 triệu đồng/con, tại thời điểm này xuất bán chỉ 5 triệu đồng. Như vậy, trung bình một con heo, người nuôi đang lỗ khoảng 2 triệu đồng. Không chỉ ở Đồng Nai, giá heo hơi tại các tỉnh như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng giảm mạnh.

Giải thích lý do giá heo hơi giảm, một số thương lái cho hay, thời gian qua, Dịch tả heo châu Phi (ASF) được khống chế, tạo điều kiện cho người dân tái đàn heo và thời điểm này có nhiều đàn heo tới lứa bán nên nguồn cung heo hơi và thịt heo khá dồi dào. Trong khi gần đây, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, các dịch vụ ăn uống ngừng hoạt động và nhiều chợ truyền thống giảm bán nên nguồn cung ở một số thời điểm dư, sức tiêu thụ thịt heo thì giảm mạnh do người dân thắt chặt chi tiêu.

 

Giá thịt heo vẫn cao

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định: “Mặc dù giá heo hơi giảm mạnh, giá thịt heo tại các cửa hàng thịt, các siêu thị mini, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn ở mức cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Từ nay đến cuối năm 2021, ASF còn xảy ra ở một số địa phương và những nơi dịch đã được khống chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, trong khi chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao… sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước”.

Một tiểu thương tại Trà Vinh chia sẻ, tuy giá heo hơi giảm nhưng giá thịt heo vẫn cao là do thương lái bỏ mối cao, nên phải bán giá cao. Tuy nhiên hiện sức mua tại chợ giảm đi nhiều bởi người tiêu dùng đã chuyển sang mua thịt gia cầm, hải sản để tiết kiệm chi phí.

giá heo

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh nhưng giá thịt heo bán lẻ tại Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh vẫn ở mức rất cao. Nguyên nhân khiến giá thịt heo vẫn ở “trên trời” là do khâu phân phối bị ảnh hưởng nặng nề, hàng trăm khu chợ truyền thống phải tạm đóng cửa, trong khi các siêu thị chỉ đáp ứng được 35 – 40% nhu cầu thịt heo của người dân. Việc lưu thông, vận chuyển thịt heo cũng gặp nhiều khó khăn, các thương lái phải qua nhiều bước trung gian hơn và tốn nhiều chi phí hơn so với trước. Với chi phí phát sinh, thương lái buộc phải cộng thêm những khoản tiền này vào giá bán cho người tiêu dùng. Điều này khiến giá thịt heo vẫn “neo” ở mức cao dù giá heo hơi đã giảm sâu.

Đại diện một doanh nghiệp nhận định, tình hình ngành chăn nuôi cũng không thể thoát ly khỏi tình hình khó khăn của cả nước trong đại dịch COVID-19. Nếu tình trạng mất cân đối cung – cầu tiếp tục kéo dài thì giá heo hơi dưới 40.000 đồng/kg sẽ đến trong thời gian rất gần và với chi phí thức ăn, an toàn sinh học như hiện tại thì so với giá 23.000 đồng/kg của năm 2017 cũng là tương đương nhau.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để giúp người chăn nuôi ổn định và phát triển đàn heo, đảm bảo ổn định giá cả và nguồn cung thịt heo trong thời gian tới, ngành chức năng cần kịp thời tìm giải pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình chăn nuôi hiệu quả. Ðồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ được sản phẩm với mức giá phù hợp trong điều kiện dịch bệnh hiện nay để người nuôi heo mạnh dạn tái đầu tư phát triển sản xuất.

>> Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Giá heo nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi xuống do không đưa vào nội thành được. Con heo thực ra ngoại trừ tiêu thụ thành phố có thể đi tiêu thụ nội địa, tức là các vùng lân cận. Vẫn có thương lái mua nhưng giá thấp. Nói chung tất cả các giải pháp đều phải chờ dịch ổn định”.

Nam Hồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *