Dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi vẫn chậm trong khi nguồn cung trong nước dồi dào, dự báo, nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý I/2022, giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng trở lại, trong đó tăng mạnh nhất là vào cuối tháng 01/2022 và trong 15 ngày đầu tháng 02/2022 do nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giá giảm trở lại từ giữa tháng 02/2022 do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng.

Trong tháng 4/2022, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại do việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy, nên giá lợn hơi tăng nhẹ trở lại tại một số khu vực.

nhập khẩu thịt heo

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng chậm trong khi nguồn cung trong nước dồi dào, dự báo, nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến

Hiện giá lợn hơi trên cả nước trung bình dao động trong khoảng 53.000 – 58.000 đồng/kg, tăng 1.000 – 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2022. Thời gian tới, khả năng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi và giá xăng dầu ở mức cao, nhưng khó có thể tăng đột biến do các trường học sẽ bước vào kỳ nghỉ hè, các nhà hàng, quán ăn cũng đều đang giữ mức trung bình và chưa phục hồi như thời gian trước.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022. Theo đó, tiêu thụ thịt lợn tại Việt Nam dự báo đạt 3,4 triệu tấn vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022 – 2030.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, sản lượng thịt gia súc và gia cầm trong quý II/2022 đạt khoảng 1.665,1 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 110 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng thịt trâu đạt khoảng 28,1 nghìn tấn, tăng 2,6%; sản lượng thịt lợn đạt khoảng 1.051 nghìn tấn, tăng 4,7%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 476 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021. Về tiêu thụ, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong quý II/2022 dự báo vẫn chậm.

Do nhu cầu yếu nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tiếp tục giảm trong quý I/2022. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2022, Việt Nam nhập khẩu 134,29 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 303,53 triệu USD, giảm 20,7% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý I/2022, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam với 40,04 nghìn tấn, trị giá 121,72 triệu USD, tăng 12,7% về lượng và tăng 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý I/2022, Việt Nam nhập khẩu 21,1 nghìn tấn thịt lợn (mã HS 0203), trị giá 46,06 triệu USD, giảm 34,8% về lượng và giảm 39,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian qua, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến tiêu thụ thịt lợn trong nước không mấy khả quan, trong khi sản lượng lợn liên tục phục hồi.

Trong quý I/2022, Brazil, Nga, Đức, Canada và Hà Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 7,99 nghìn tấn, trị giá 18,04 triệu USD, tăng 185,6% về lượng và tăng 181,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm thịt dự kiến sẽ tăng trở lại do Việt Nam mở cửa du lịch, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới.

Trước tình trạng giá lợn hơi neo ở mức thấp trong suốt thời gian dài khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bán tháo, phá đàn. Ông Đào Quang Vinh – Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh – cho rằng, cần kiểm soát lại vấn đề thống kê, con số tổng đàn tương đối chính xác và dự báo số đàn lượng thịt so với tổng đàn ra sao để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp. Bên cạnh đó, cần đưa ra dự báo về sản lượng, tiêu thụ sát với thực tế.

Nguyễn Hạnh

Nguồn: Báo Công Thương
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *