Đồng Tháp: Tập trung các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành hàng vịt

Ngày 22/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp tổ chức buổi tọa đàm về phát triển chuỗi giá trị ngành hàng vịt. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và một số Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, ngành hàng vịt tỉnh Đồng Tháp có sự phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước. Theo Sở NN&PTNT, giá trị sản xuất ngành hàng vịt đến năm 2020 đạt 721,7 tỷ đồng (giá so sánh 2010, chiếm 28,7% tổng giá trị ngành chăn nuôi), tăng 31,9% so với năm 2015, tương ứng 174,4 tỷ đồng.

nuôi vịt đồng tháp

Mô hình nuôi vịt rọ đang phát triển mạnh tại Đồng Tháp

Đối với cơ cấu đàn, hiện tại tổng đàn vịt toàn tỉnh là 4,57 triệu con. Trong đó, nuôi vịt hướng trứng chiếm 92,3%, vịt hướng thịt chiếm 7%, vịt kiêm dụng là 0,7%. Về hình thức chăn nuôi, tổng đàn vịt nuôi theo hình thức chạy đồng chiếm 73,6%, nuôi nhốt chiếm 26,4%. Tổng số hộ nuôi vịt là 5.371 hộ, trong đó nuôi chạy đồng chiếm 25,8% (1.384 hộ), nuôi nhốt 74,2% (3.987 hộ). Các địa phương có số lượng tổng đàn chiếm tỉ lệ cao như huyện Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh…

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành hàng vịt trong giai đoạn tới, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu phấn đấu với mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2022 – 2025 trung bình đạt 5%/năm. Đến năm 2025, tổng đàn vịt đạt 8,7 triệu con, tổng đàn thời điểm đạt 4,5 triệu con, sản lượng thịt vịt xuất chuồng đạt 9,4 nghìn tấn; sản lượng trứng vịt đạt 390 triệu trứng.

Trên tinh thần tiếp tục duy trì và củng cố hoạt động các THT chăn nuôi vịt hiện có và từng bước đưa các THT hoạt động đạt hiệu quả, hàng năm, tỉnh xây dựng từ 1 – 2 trang trại chăn nuôi vịt kiểu mẫu (liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, sản xuất điện năng lượng mặt trời); khuyến khích phát triển du lịch sinh thái gắn với ngành hàng vịt. Bên cạnh đó, phát triển ít nhất 1 dự án khởi nghiệp về sơ chế, chế biến thịt, trứng vịt hoặc chế biến thức ăn nhanh từ vịt (fast food) và phát triển các sản phẩm OCOP từ ngành hàng vịt để tăng giá trị. Hàng năm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu (VietGAP) cho 2 THT/Cơ sở chăn nuôi vịt đạt yêu cầu…

Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được gắn kết với nông dân tỉnh Đồng Tháp trong việc xây dựng và phát triển ngành hàng vịt. Để ngành hàng vịt phát triển bền vững, các diễn giả đề nghị tỉnh cần quan tâm đến việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, đầu tư nhiều hơn cho chế biến nhằm tạo thêm nhiều giá trị gia tăng hơn cho ngành hàng vịt…

Mỹ Lý

Nguồn: Báo Đồng Tháp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *