Là tỉnh công nghiệp nên Đồng Nai cũng định hướng phát triển ngành Chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đạt chuẩn an toàn. Kết quả hiện nay, chăn nuôi trang trại của tỉnh chiếm hơn 90% tổng đàn.
Chăn nuôi nông hộ đang dần thu hẹp nhưng vẫn được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm phát triển theo hướng điều chỉnh phù hợp với thực tế sản xuất của từng vùng. Để tồn tại, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lại vẫn đang nỗ lực chuyên môn hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, liên kết chăn nuôi an toàn…
Chăn nuôi nhỏ lẻ dần thu hẹp
Trước hàng loạt khó khăn về dịch bệnh, thị trường, áp lực cạnh tranh với thịt nhập, chăn nuôi nhỏ lẻ đang là đối tượng yếu thế nhất trong ngành Chăn nuôi hiện nay. Thời gian qua, hàng ngàn hộ chăn nuôi phải bỏ nghề vì bị thiệt hại bởi dịch tả heo châu Phi cũng như khó khăn về đầu ra. Theo đó, tỷ lệ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đang dần thu hẹp lại. Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, năm 2016, với đàn heo, chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm tỷ lệ 31% tổng đàn và giảm còn gần 10% tổng đàn vào năm 2020. Với chăn nuôi gà, chăn nuôi nông hộ từ tỷ lệ gần 12,5% tổng đàn giảm xuống còn khoảng 9% tổng đàn; với chăn nuôi bò, từ 91,6% tổng đàn giảm chỉ còn gần 90% tổng đàn.
Hộ chăn nuôi heo tại xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất. Ảnh: L.Quyên
Khó khăn của chăn nuôi nông hộ như: công tác giống tại các hộ chăn nuôi heo, bò chưa được chú trọng; hầu hết đội ngũ dẫn tinh viên heo, bò tại các địa phương chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp; việc xử lý chất thải bằng công nghệ biogas tại các nông hộ dù được Nhà nước hỗ trợ thông qua nhiều dự án nhưng thực tế vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi chưa đầu tư xây dựng hầm biogas, sử dụng biện pháp ủ để bón cho cây trồng, gây ô nhiễm môi trường xung quanh… Đây cũng là nguyên nhân khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, phần lớn các ổ dịch tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện không đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vì đều là trại hở, điều kiện vệ sinh kém.
Hộ chăn nuôi gà thịt tại xã Nhân Nghĩa, H.Cẩm Mỹ
Hướng đến chuyên môn hóa
Tuy chăn nuôi nông hộ ngày càng yếu thế trong cạnh tranh nhưng đây vẫn là nghề mang lại nguồn thu nhập chính của hàng chục ngàn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Chăn nuôi nhỏ lẻ nếu mất đi sẽ gây ra vấn đề rất lớn về an sinh xã hội. Theo đó, các địa phương vẫn rất quan tâm hỗ trợ để ổn định sản xuất chăn nuôi nông hộ và có sự chuyển hướng để phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất tại địa phương.
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc cho hay, hiện tổng đàn heo, gà trên địa bàn huyện đã lớn hơn định hướng quy mô chăn nuôi tại địa phương. Theo đó, huyện không có chủ trương thu hút thêm trang trại lớn, chăn nuôi nông hộ cũng chỉ ổn định sản xuất chứ không khuyến khích mở rộng. Tuy nhiên, thời gian qua, chăn nuôi bò được địa phương khuyến khích phát triển vì ít ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, tổng đàn bò của địa phương tăng trưởng tốt, trong đó chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm 70-80% tổng đàn. Người chăn nuôi bò hiện nay cũng đã thay đổi từ nuôi thả sang nuôi trong trại theo hướng bán công nghiệp, tận dụng nguồn phế phẩm từ trồng trọt để tự sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Các hộ chăn nuôi heo, gia cầm cũng dần chuyên môn hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ giai đoạn 2016-2020 như: hỗ trợ cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng giống trong chăn nuôi nông hộ thông qua việc hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm đối với heo, bò; hỗ trợ mua bình nitơ, súng bắn tinh. Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ dẫn tinh viên gia súc; nâng cao chất lượng tinh heo, bò trong quá trình gieo tinh nhân tạo và bảo quản tinh thông qua hoạt động hỗ trợ đào tạo, tập huấn phối giống nhân tạo gia súc. Nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ thông qua hoạt động hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi. Chương trình này sẽ được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, tỉnh quan tâm đến việc thành lập các tổ hợp tác, HTX chăn nuôi, tổ chức kết nối các tổ hợp tác, HTX chăn nuôi với các doanh nghiệp để cùng tham gia vào các chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm chăn nuôi. Tổ chức tập huấn hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các quy trình chăn nuôi như: an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAHP. Mục tiêu góp phần giảm thiểu dịch bệnh và thiệt hại trong chăn nuôi, giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường.
Lê Quyên
Nguồn: Báo Đồng Nai