Cân bằng năng lượng và protein
Đảm bảo sự cân bằng tối ưu giữa năng lượng và protein trong khẩu phần ăn là điều cần thiết để duy trì sản lượng trứng. Do đó, trong giai đoạn đẻ trứng, cần đảm bảo năng lượng trao đổi (ME) dao động từ 2.800 – 2.900 kcal/kg. Mức protein thô nên đạt khoảng 18 – 19%, với sự tập trung vào các axit amin dễ tiêu hóa, đặc biệt là methionine và lysine. Việc theo dõi và điều chỉnh thường xuyên các mức này dựa trên lượng thức ăn ăn vào, trọng lượng cơ thể và các thông số sản xuất là rất quan trọng.
Canxi và phốt pho
Canxi và phốt pho rất quan trọng đối với chất lượng vỏ trứng và sức khỏe xương. Giai đoạn đẻ trứng cao điểm, hàm lượng canxi đảm bảo 4 – 4,5% và mức phốt pho hữu dụng từ 0,3 – 0,4% trong khẩu phần ăn. Bên cạnh đó, kích thước hạt của các nguồn canxi, như đá vôi hoặc vỏ sò, nên được tối ưu hóa để sử dụng tốt hơn. Đồng thời, cần bổ sung đủ Vitamin D3 (khoảng 3.000 – 4.000 IU/kg) là cần thiết cho sự hấp thụ canxi.
Khoáng chất vi lượng
Các khoáng chất vi lượng, như kẽm, mangan và đồng, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất trứng và chất lượng vỏ trứng. Các dạng hữu cơ của những khoáng chất này, như proteinate hoặc chelate, đã cho thấy khả năng hấp thụ sinh học tốt hơn và có thể được xem xét đưa vào sử dụng. Khuyến cáo mức bổ sung thích hợp là 100 – 120 ppm kẽm, 100 – 120 ppm mangan và 8 – 10 ppm đồng trong khẩu phần ăn.
Vitamin
Mức vitamin đầy đủ, đặc biệt là Vitamin E (50 – 100 IU/kg), Vitamin K (2 – 3 mg/kg) và Vitamin nhóm B (riboflavin, axit pantothenic và biotin) là cần thiết để tối ưu hóa sản lượng và chất lượng trứng. Việc bổ sung Vitamin C (100 – 200 mg/kg) đã được chứng minh là có thể giảm bớt căng thẳng nhiệt và hỗ trợ chức năng miễn dịch, có khả năng góp phần kéo dài đỉnh cao đẻ trứng.
Phụ gia thức ăn
Một số phụ gia thức ăn nhất định có thể nâng cao khả năng sử dụng chất dinh dưỡng và hỗ trợ duy trì sản lượng trứng. Cụ thể như:
Enzyme (phytase, carbohydrase) có thể cải thiện khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng;
Probiotic và prebiotic có thể thúc đẩy sức khỏe đường ruột và chức năng miễn dịch;
Chất chống ôxy hóa (selen, Vitamin E) có thể chống lại stress ôxy hóa và duy trì chất lượng trứng;
Axit béo omega-3 (từ các nguồn như hạt lanh hoặc dầu cá) có thể nâng cao chất lượng lòng đỏ trứng và có khả năng hỗ trợ đẻ trứng liên tục.
Chiến lược cho ăn
Duy trì lượng thức ăn ăn vào ổn định thông qua quản lý thức ăn hợp lý và kiểm soát môi trường là rất quan trọng để duy trì sản lượng. Ngoài ra, cần theo dõi thường xuyên các thông số sản xuất, chất lượng trứng và tình trạng cơ thể để điều chỉnh dinh dưỡng kịp thời. Cùng đó, phân tích thức ăn định kỳ và xem xét lại công thức giúp đảm bảo rằng khẩu phần đáp ứng được các thông số dinh dưỡng mong muốn. Đặc biệt, cần đảm bảo khẩu phần thích nghi với những thay đổi theo mùa, chẳng hạn như điều chỉnh mức năng lượng trong thời gian nhiệt độ dao động, là điều quan trọng để duy trì tỷ lệ đẻ trứng cao nhất.
Nguyễn Hằng
(Tổng hợp)