(Người Chăn Nuôi) – Ngày 21/3/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn kết nối nông sản: Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, cơ hội và thách thức. Diễn đàn do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp), Tổ chức điều hành Diễn đàn kết nối 970 và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) đồng tổ chức.
Đây là cơ hội để các nông hộ, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chăn nuôi cùng cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, nhận diện cơ hội, thách thức và tìm kiếm giải pháp nhằm áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi. Từ đó hỗ trợ thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững và đem lại hiệu quả cao nhất.
Diễn đàn có sự tham gia của các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi, nhà đầu tư, các nhà phân phối sản phẩm chăn nuôi, các đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý và kinh doanh các chất thải chăn nuôi, các Hiệp hội, Hội Chăn nuôi, Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam…
Tại diễn đàn, các đại biểu đại diện Cục Chăn nuôi, Viện Chính sách… đã cung cấp thông tin về những quy định và yêu cầu đặt ra đối với chuỗi chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh nghiệm và thực tiễn tại Việt Nam. Đại diện Sở NN-PTNT phía Nam và các Hiệp hội, doanh nghiệp chia sẻ về cơ hội và thách thức đặt ra đối với kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
Toàn cảnh Diễn đàn
Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là một tất yếu
Chia sẻ góc nhìn về kinh tế tuần hoàn (KTTH) từ những kinh nghiệm thực tiễn, ông Hà Văn Thắng – Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng KTTH không phải một mô hình lựa chọn mà là tất yếu.
“KTTH là nền tảng của phát triển bền vững, nền tảng của kinh tế xanh. Chính vì vậy, chúng ta không nên tách bạch nhiều quá. KTTH là kết quả của mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tuần hoàn, các mô hình này không bị trói buộc bởi 1 khuôn mẫu nên tìm tiêu chí, quy định cứng nhắc cho mô hình KTTH là rào cản khiến cho tính lan tỏa hạn chế”, ông Thắng nhận định.
Theo đại diện Hội Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tuần hoàn không bị trói buộc mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi tổ chức, nông hộ, ở đây tư duy thiết kế là quan trọng nhất.
Tại diễn đàn, ông Thắng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu quy định hàng lang pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo (ĐMST) để ĐMST thực sự đi vào đời sống xã hội, có cơ chế cho câu chuyện thí điểm, thử nghiệm, đánh giá và tổng kết các mô hình ĐMST.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị cần có những chính sách phục vụ doanh nghiệp, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình. Ông cũng đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình cho các trung tâm vùng lõi do các doanh nghiệp dẫn dắt.
Bà Nguyễn Giang Thu – Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ môi trường – giới thiệu mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn (mô hình cánh bướm) trong hệ thống thu hồi chủ động để thu hồi các nguyên liệu, phụ phẩm của ngành chăn nuôi. Bà cũng nêu 9 vai trò trọng tâm của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp những năm qua đã tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm của ngành.
Theo bà Thu, từ năm 2013 – 2023 đã công nhận 529 giống mới góp phần tăng năng suất, chất lượng; các giống cây trồng cho năng suất vượt từ 10 – 15%. Thực trạng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện đã có 3 mô hình chủ yếu: (1) Mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; (2) Mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hay tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; (3) mô hình tiết chế hoá.
Cụ thể, theo thời gian và sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp, chúng ta đã sử dụng các mô hình: Mô hình vườn ao chuồng (VAC); mô hình luân canh “lúa – tôm”, “lúa – cá”; sản xuất phân hữu cơ từ khí thải nông nghiệp; sản xuất tổng hợp bò – trùn quế – cỏ/ngô – gia súc, gia cầm – cá; chăn nuôi an toàn sinh học 4F; Vòng tuần hoàn xanh trong các trang trại bò sữa; nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước.
Bà Thu nhận định, thời gian gần đây, trên mạng xã hội đã tuyên truyền các ứng dụng trong việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình để vừa bảo vệ môi trường, vừa sử dụng hiệu quả các phụ phẩm, phế phẩm sinh hoạt có thể tái sản xuất cho các lĩnh vực khác. Đây sẽ là xu hướng, mô hình được nhân rộng trong tương lai.
Bà Thu đánh giá cao mô hình của doanh nghiệp Quế Lâm tương đối khép kín, mang lại hiệu quả thực chất nhưng chưa được áp dụng rộng rãi do đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật, đòi hỏi diện tích đất quy mô lớn cũng như các chi phí để đầu tư sản xuất. Đánh giá các tồn tại trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, bà Thu cho rằng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất của Việt Nam; tỷ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp. Tư duy trước đây vẫn còn coi phụ phẩm đó là rác thải, chưa coi đó là tài nguyên cần phải xử lý để tiếp tục tuần hoàn.
“Những đầu vào này cần được sử dụng để bắt đầu chu kỳ khác, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng. Ngay như rơm rạ, bao nhiêu năm chúng ta vẫn nói những chưa được giải quyết; chặt tỉa cành thanh long, bã quả chanh leo…, tất cả những phụ phẩm đó cần được sử dụng.
Năng lực sử dụng, ứng dụng khoa học công nghệ của chúng ta còn hạn chế, mới chỉ ở các Viện, trường; các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, ứng dụng công nghệ chưa rộng rãi và chưa thực sự quan tâm” – bà Thu phát biểu.
Trong thời gian tới, bà Thu cho biết các nhiệm vụ về khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam cần nâng cao nhận thức, vài trò, hiệu quả của các mô hình; hoàn thiện cơ chế và hình thành các cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường sản phẩm được sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn; tổ chức triển khai các mô hình…
Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp, đã chia sẻ khái quát một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi từ các chương trình dự án đã triển khai tại Việt Nam.
Về mô hình cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện nay có ba công nghệ chính: xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới (nước thải sau biogas thông qua hệ thống lọc).
Trong thời gian qua, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp (LCASP) đã triển khai xây dựng mô hình tại 10 tỉnh dự án với kết quả ban đầu khá khả quan, đầu tư máy tách phân tại các trang trại chăn nuôi quy mô trên 2000 đầu lợn/bò cũng như hệ thống tưới bằng nước thải biogas. Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn từ 5-6 năm. Thí điểm mô hình trên một số trang trại lợn quy mô trên 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn từ 2-3 năm.
Các công nghệ xử lý môi trường được dự án giới thiệu đem lại tỷ suất lợi nhuận khá cao, song vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ để có thể nhân rộng mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho cộng đồng và người dân.
Thứ nhất, đối với mô hình máy tách phân, đa số các trang trại áp dụng sản xuất phân bón từ chất thải chăn nuôi theo hướng tự phát quy mô nhỏ và vừa, không nắm rõ các thủ tục đăng ký, buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ. Theo đó, TS. Nguyễn Thế Hinh đề xuất tạo điều kiện đăng ký, buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ cho người dân quy mô nhỏ; hình thành, phát triển hệ thống thu gom, tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi cho các trang trại quy mô nhỏ và vừa.
Thứ hai, đối với mô hình hệ thống tưới nước thải sau biogas, trong nhiều năm, người chăn nuôi phải tuân thủ Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) số 62 nên không thể sử dụng nước thải sau biogas trong tưới tiêu. Tuy nhiên, ngày 30/12/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành QCVN 01 về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Nhận thấy đây là cơ sở để nhân rộng các mô hình, TS. Nguyễn Thế Hinh đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, hướng dẫn, thông tin tuyên truyền để QCVN 01 đem lại giá trị thực tiễn cho người dân.
Thứ ba, đối với mô hình máy phát điện, hiện nay Chính phủ chưa cho phép nối điện biogas với lưới điện quốc gia nên điện khí sinh hoạt sản xuất ra không được tiêu thụ. Đa số các trang trại chăn nuôi chỉ có nhu cầu sử dụng khoảng 20-30% sản lượng điện biogas sinh ra nên hiệu quả kinh tế khá thấp. TS. Nguyễn Thế Hinh đề nghị Chính phủ cho phép nối lưới điện khí sinh học để tạo thị trường đầu ra cho điện biogas, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển, sản xuất và thương mại hóa máy phát điện biogas nội địa.
Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi: Nâng cao nhận thức của người dân bằng việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức; Nâng cao năng lực đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ nước ngoài; Tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế tuần hoàn nông nghiệp thông qua chính sách đầu tư, cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy liên kết các thành phần kinh tế từ sản xuất đến tái chế; Nhà nước kiến tạo hành lang pháp lý ổn định, tạo môi trường kinh doanh tốt, đặc biệt xu hướng tái chế, nông nghiệp tuần hoàn gắn với tái chế.
Chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp hữu cơ đã được thể chế hóa, trong đó có kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Ngày 7/3/2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kí văn bản nói về công nghệ vi sinh rất cụ thể. Ứng dụng công nghệ vi sinh đã giúp đỡ bà con, quyết định được các vấn đề trong nông nghiệp. Nông nghiệp quyết định thể trạng và thể chất của con người. Tuy nhiên nhiều cơ quan ban ngành chưa thực sự quan tâm.
Theo Chủ tịch Nguyễn Hồng Lam, Hội nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, để nông nghiệp tuần hoàn đi vào đời sống cần phải xây dựng được lòng tin giữa Đảng, Nhà nước, người nông dân và người tiêu dùng. Tuần hoàn là tận dụng những thứ bỏ đi, xây dựng chuỗi giá trị giữa đầu vào và đầu ra. Để làm được điều này tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đặt mục tiêu kinh tế của người nông dân lên hàng đầu, chuyển tiến bộ cho hàng triệu người nông dân.
Theo Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, vấn đề tiêu thụ trong một chuỗi, bảo quản thịt mát hạn chế được vi sinh vật có hại phát triển. Bên cạnh đó, kiểm soát thật chặt chất cấm và kháng sinh. Chương trình dự trữ quốc gia cho lúa gạo làm rất tốt nhưng chưa có kho dự trữ thịt,( ví dụ Trung Quốc đã có).
Chăn nuôi bò hiện có hai vướng mắc: tận dụng chất thải lại vướng vào vấn đề môi trường khi vận chuyển thu mua. Luật chăn nuôi quy định khi có động vật chết phải chôn lấp nhưng có bất cập khi trang trại chôn xong khó hoạt động trở lại, vẫn ô nhiễm sau khi chôn lấp, nếu được sử dụng lại làm phụ phẩm cho chăn nuôi và đồng ruộng là một giải pháp tốt.
Tập đoàn TH chia sẻ kiến thức kinh nghiệm: Hiện nay Tập đoàn đã sử dụng công nghệ tách phân, tái tạo chuồng trại nhanh, tiêu diệt vi sinh vật có hại cho gia súc, đặc biệt là bò sữa. Điểm lót sinh học được rải định kỳ trên nền chuồng, không sử dụng sản phẩm vỏ cây, lá cây từ rừng để bảo vệ môi trường. Phần thừa đối với chất thải rắn đã được sản xuất phân bón hữu cơ. Về chất thải lỏng, khó xử lý do nước thải tập trung khu công nghệ cao nó biến động theo mùa, đông ít, hè nhiều, biến động do thức ăn đầu vào, sử dụng công nghệ cao của nước ngoài chi phí cao.
Theo Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Hiện Trung tâm đã đưa ra chế phẩm sinh học xử lý phân gà, sử dụng đệm lót sinh học kèm chế phẩm sinh học, góp phần tuần hoàn chất thải chăn nuôi, điển hình mô hình trại gà- rau ở Thái Bình đã rất thành công, khi biến một trang trại ô nhiễm thành điển hình tiến tiến đi đầu trong sản xuất kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi ở Thái Bình.
Thu Hiền