Dịch bệnh sẽ là thách thức lớn

(Người Chăn Nuôi) – Theo TS. Pavel Trefil, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Gia cầm Cộng hòa Séc, dịch bệnh là thách thức lớn nhất của ngành chăn nuôi gia cầm trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Giải pháp nào đưa ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam vượt qua thách thức này để phát triển bền vững? Cùng lắng nghe những chia sẻ của TS. Pavel về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam?

Mấy năm trước, trên cương vị của một chuyên gia sinh lý học và thụ tinh nhân tạo, tôi có dịp đến thăm và giảng dạy ở một số trường đại học của Việt Nam. Tôi nhận thấy tiềm năng lớn của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam thông qua những dấu hiệu sau: Cơ sở vật chất cho nghiên cứu rất tốt; hợp tác nghiên cứu của các nhà chăn nuôi với các công ty trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực thú y; Việt Nam có nhiều giống gia cầm bản địa có tiềm năng tốt và đặc thù; nhiều người trẻ tuổi đang làm việc hoặc quan tâm đến việc làm trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, điều này rất khó thấy ở nhiều quốc gia; hợp tác để phát triển kỹ thuật cũng với những người trẻ có kiến thức là nền tảng cho phát huy tiềm năng.

 

Vậy còn thách thức thì sao, thưa ông?

Theo tôi, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam có nhiều thách thức như: Dịch bệnh; mâu thuẫn giữa năng suất và an toàn thực phẩm ví dụ như yêu cầu giảm thiểu sử dụng kháng sinh; thách thức về cạnh tranh.

 

Ông có nghĩ rằng dịch bệnh là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam trong thời gian tới?

Dịch bệnh đúng là một trong những thách thức lớn nhất. Đặc biệt, khi yêu cầu giảm thiểu sử dụng kháng sinh sẽ tạo cơ hội cho nhiều mầm bệnh phát triển. Hiện nay, nhiều nhà chăn nuôi bổ sung kháng sinh trong tất cả các giai đoạn sinh trưởng của gia cầm. Điều này cần thay đổi; hạn chế kháng sinh theo gian đoạn và thay thế kháng sinh bằng các chế phẩm khác như probiotic hay các biện pháp khác; đồng thời thay đổi cơ sở vật chất và xây dựng các quy trình nuôi mới sẽ hỗ trợ quản lý được dịch bệnh.

 

Vậy theo ông, an toàn sinh học liệu có phải là biện pháp hữu hiệu nhất để đối phó với dịch bệnh?

An toàn sinh học là điều kiện tiên quyết đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng. Trang trại gà ở Canada mà tôi đã tới, họ ngăn chặn đến mức con chuột cũng không thể lọt vào. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng, nguy cơ mầm bệnh xuất hiện luôn sẵn có, có thể do nhập đàn mới; do con người mang vào trại, thậm chí do chính bác sĩ thú y mang tới…. Vậy an toàn sinh học phải được thực hiện nhưng cần chuẩn bị những đàn gia cầm tốt không mẫn cảm với mầm bệnh hoặc kháng bệnh. Các tiến bộ của công nghệ sinh học có thể giúp chúng ta thực hiện được điều này.

 

Theo ông, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam cần phải làm những gì để phát triển bền vững?

Phát triển bền vững là sự phát triển không ảnh hưởng đến các nguồn lợi thiên nhiên và không lấy đi tài nguyên thiên nhiên của các thế hệ tương lai. Với chăn nuôi gia cầm cũng như vậy. Việt Nam có nhiều giống gia cầm bản địa. Với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, các bạn có thể tạo các giống vật nuôi có ngoại hình đẹp, sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người Việt đồng thời không cảm nhiễm với virus gây bệnh hoặc có khả năng kháng bệnh.

Các quốc gia Tây Âu đang hướng đến xóa bỏ chăn nuôi công nghiệp vào năm 2025. Khi đó gà được nuôi thả; nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh rất cao; mầm bệnh theo con giống sẽ đến mọi nơi và gây khó khăn cho kiểm soát dịch bệnh. Chính vì thế, việc tạo đàn giống phù hợp từ các giống bản địa và có khả năng kháng bệnh sẽ là một phương thức cho chăn nuôi gia cầm bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *