Dịch bệnh ‘lưỡi xanh’ lây lan nhanh chóng tại Bỉ

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, bệnh “lưỡi xanh” đang lây lan nhanh chóng tại các trang trại chăn nuôi động vật nhai lại ở Bỉ và nhiều quốc gia châu Âu khác.

Mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp cho con người, song căn bệnh này lại gây thiệt hại nặng nề cho vật nuôi, đặc biệt là cừu, gia súc, dê và lạc đà không bướu (alpaca).

bệnh "lưỡi xanh"

Lần bùng phát mạnh dịch “lưỡi xanh” gần đây nhất xảy ra vào năm 2008 – 2009. Hiện bệnh “lưỡi xanh” đang xuất hiện lại tại các trang trại ở Bỉ, với các ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2023 tại một trang trại ở tỉnh Antwerp, có nguồn gốc từ Hà Lan. Ban đầu, tốc độ lây lan của bệnh khá chậm, nhưng đã gia tăng nhanh chóng khi thời tiết trở nên thuận lợi cho sự phát triển của các loài muỗi thuộc họ Culicoides, vật trung gian truyền virus.

Đến nay, đã có 603 trang trại bị ảnh hưởng tại Bỉ, trong đó có 371 trang trại cừu, 230 trang trại gia súc, 1 trang trại dê và 1 trang trại lạc đà không bướu. Bà Cathy Brison, người phát ngôn của Cơ quan An toàn chuỗi thực phẩm liên bang (Afsca), cho biết số trang trại bị ảnh hưởng đã gia tăng đáng kể (từ 501 lên 603) chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Bà nhấn mạnh sự phát triển của bệnh không thể tránh khỏi nếu điều kiện thời tiết vẫn tiếp tục thuận lợi cho việc lây lan virus.

Dù bệnh “lưỡi xanh” không lây sang người nhưng gây tổn thất đáng kể cho người chăn nuôi. Ước tính tỷ lệ cừu chết ở cừu chưa được tiêm phòng là từ 25-50%, trong khi virus dễ lây lan trong nhiều điều kiện khác nhau. Mặc dù vaccine đã có sẵn nhưng việc sử dụng rộng rãi vẫn gặp khó khăn do chi phí và nhân công liên quan đến việc tiêm chủng. Trong khi đó, để kiểm soát tình hình, cần đạt tỷ lệ tiêm chủng 80%. Do đó, giới chăn nuôi và các bác sĩ thú y Bỉ kêu gọi cơ quan chức năng sản xuất vaccine bắt buộc và miễn phí, giống như các biện pháp đã được thực hiện trong đợt dịch trước.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, các nhà chăn nuôi và cộng đồng rất quan trọng để giảm thiểu tổn thất và ngăn ngừa dịch bệnh trong tương lai. Công chúng cũng cần nâng cao nhận thức về tình hình và hỗ trợ các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đồng thời tránh những hành động có thể làm tăng thêm khó khăn cho người chăn nuôi.

Hương Giang

Nguồn: TTXVN
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *