Dê thịt có giá, người nuôi lãi từ 2 – 3 triệu đồng/con

Dê thịt tại tỉnh Tiền Giang đang được thương lái thu mua với giá hơi dao động từ 115.000-150.000 đồng/kg, tăng trên 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023.

Sau thời gian nuôi khoảng 3 tháng, sau khi trừ chi phí con giống cùng thức ăn, người nuôi có lãi trung bình từ 2 – 3 triệu đồng/con dê.

Dê là loại vật nuôi ít bị dịch bệnh, dễ tiêu thụ, nhất là tận dụng đồng cỏ và phế phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn, vốn đầu tư thấp, thích hợp với điều kiện hạn, mặn nên được nuôi nhiều ở các huyện ven biển phía Đông tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt dê trên thị trường luôn cao người nuôi mạnh dạn tái đàn, góp phần nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ theo hướng bền vững.

Theo thống kê, tổng đàn dê của tỉnh hiện có khoảng 160.000 con, tăng gấp 3 lần so với năm 2023. Tại các địa phương nằm trong dự án vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông có số lượng dê nhiều nhất, hơn 50.000 con.

giá dê thịt

Mô hình nuôi dê lấy thịt. Ảnh minh họa: Vũ Sinh

Ông Đoàn Văn Hồng, ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa bấp bênh sang lập trang trại nuôi dê cung ứng dê thịt, dê giống cho thị trường. Hiện trang trại nuôi dê của ông quy mô lớn nhất huyện Gò Công Đông với tổng đàn trên 100 con dê sinh sản cùng dê thịt, mỗi năm thu lợi trên 200 triệu đồng. Ông là thành viên của Tổ hợp tác chăn nuôi dê lai thương phẩm xã Tăng Hòa giúp các hộ chăn nuôi dê, liên kết sản xuất, phát triển đàn dê theo hướng chăn nuôi hiện đại, sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Theo ông Hồng, người nuôi dê không phải bỏ công chăm sóc vất vả như những loài khác vì thức ăn của dê rất dễ tìm như lá so đũa, cỏ… Dê nuôi khoảng 3 – 4 tháng là trưởng thành. Dê cái mỗi năm đẻ từ 1 – 2 lần, mỗi lần từ 2 – 3 con với tỉ lệ sống gần như 100%. Dê trưởng thành nặng khoảng 30 kg, bán được giá trung bình từ 100.000 – 150.000 đồng/kg trở lên.

Còn ông Lê Hoàng Mừng, ở xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, là người thành công trong việc nuôi dê ở vùng đất cù lao, thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Từ con dê cái giống của chương trình hỗ trợ người dân phát triển triển hộ chăn nuôi gia đình do UBND xã Tân Phú Đông thực hiện, ông đã phát triển đàn dê với hơn 20 con dê nái. Đây là cơ sở cung cấp dê giống cùng dê thịt cho cả vùng, giúp tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Ngoài việc cung cấp dê giống cho bà con chăn nuôi, ông còn thu mua phân dê làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế…

Nhằm hỗ trợ đàn dê phát triển đạt hiệu quả ở địa bàn khó khăn thuộc các huyện ven biển Gò Công, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang) đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, khả năng ứng dụng hiệu quả cao tại địa phương trên lĩnh vực chăn nuôi dê. Các mô hình, dự án: Dự án “Ứng dụng mô hình cải tạo giống dê địa phương” tại huyện Gò Công Đông; Dự án “Gieo tinh nhân tạo trên dê”; Mô hình “Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương”… được áp dụng đạt hiệu quả tại các huyện, thị xã có nghề nuôi dê phát đạt. Ngoài ra, còn ứng dụng, chuyển giao mô hình nuôi dê trên đệm lót sinh học, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe…

Ngoài ra, để bảo vệ đàn dê trước áp lực dịch lở mồm long móng, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh đã triển khai Quyết định số 4848/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tiền Giang về tiêm phòng miễn phí vaccine lở mồm lở móng cho đàn dê hiện có trong dân. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho dê như: xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, chọn con giống chất lượng cao, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho dê…

Bà Lê Hồng Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho hay, mô hình chăn nuôi dê, ứng phó với biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân ở địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần giải quyết việc làm của người dân ở địa bàn các xã ven biển, ổn định cuộc sống. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân làm chuồng trại, tuyển chọn giống tốt, chất lượng, nhân rộng mô hình nuôi tiên tiến; trong đó, chú trọng đến nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường.

Hữu Chí

Nguồn: TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *