(Người Chăn Nuôi) – Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp rất lớn. Điều này sẽ góp phần quan trọng giúp giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu Net Zero.
Xu thế tất yếu
Chiều 08/7 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Đối thoại chính sách: “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. Hội nghị do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chủ trì.
Toàn cảnh Hội nghị Đối thoại tại điểm cầu Hà Nội.
Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về vai trò của kinh tế tuần hoàn đối với các mục tiêu phát triển trong ngành nông nghiệp; Lan tỏa các thông điệp chính của Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 do Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện; Tìm hiểu các khó khăn, thuận lợi từ đó, kiến nghị các giải pháp về cơ chế và chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn…
Trong hơn 4 thập kỷ đổi mới và tái cơ cấu, ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn và trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, một trong những thách thức của nền nông nghiệp hiện nay là lượng phụ phẩm nông nghiệp thải ra rất lớn. Thống kê trong năm 2020, tổng sản lượng phụ phẩm nông nghiệp là 156,8 triệu tấn. Đây là một trong những yếu tố gây phát thải khí nhà kính.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng cần nâng cao giá trị của phụ phẩm nông nghiệp, biến chúng trở thành những thứ có giá trị trong nền kinh tế tuần hoàn. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh, bền vững.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng Hội nghị sẽ là cơ sở để các bên tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường. Trước các tác động của biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết: Thực tế việc kết hợp phụ phẩm trong trồng trọt với chất thải chăn nuôi có thể tạo ra hơn 85 triệu tấn chất lỏng phân bón hữu cơ trong đất. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cũng có thể giúp bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Ngành chăn nuôi Việt Nam tạo ra gần 72 triệu tấn chất thải rắn và hơn 76 triệu tấn chất thải lỏng mỗi năm. Nếu không xử lý lượng chất thải này thì sẽ có tác động đáng kể đến đất và nước, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu.
Bà Ramla Khalidi cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các cam kết quốc tế đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). UNDP đã thử nghiệm thành công hộp công cụ Kinh tế tuần hoàn – NDC, có thể giúp Việt Nam xác định, ưu tiên, thực hiện và theo dõi các biện pháp can thiệp tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần thực hiện NDC 2025. Công cụ này có ý nghĩa đặc biệt với ngành nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo, trồng trọt, chăn nuôi…
Tăng cường hợp tác đa ngành
Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, hiện có 4 loại mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Bao gồm mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt. Mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, mô hình nông – lâm kết hợp, mô hình vườn – rừng. Mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hay tạo ra các sản phẩm có giá trị khác. Mô hình tiết chế hóa gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp một số hạn chế, trong đó rào cản lớn nhất là nhận thức về sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn mơ hồ, chưa đầy đủ; Khung chính sách về phát triển mô hình này chưa được hoàn thiện; Tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp…
Mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
Đi sâu vào các vấn đề từ phụ phẩm nông nghiệp, bà Morgane Rivoal, chuyên gia Kinh tế tuần hoàn và Biến đổi khí hậu UNDP Việt Nam, cho rằng, phục hồi tài nguyên là điểm khởi đầu quan trọng để mở rộng quy mô và mở rộng nông nghiệp tuần hoàn. Lấy ví dụ về phục hồi tài nguyên, tạo ra điểm khởi đầu cho nông nghiệp tuần hoàn đối với lĩnh vực chăn nuôi, bà Morgane cho biết, chất thải trong chăn nuôi có thể cung cấp khoảng 42 triệu tấn chất hữu cơ cho đất, 1,2 triệu tấn phân urê, 3,1 triệu tấn lân và 2,4 triệu tấn phân kali sunfat. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng nước thải để tạo khí sinh học; nuôi ruồi lính đen để tạo phân hữu cơ và thức ăn chăn nuôi,…
Cũng tại Hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế, khối tư nhân, phi chính phủ và các Bộ, ban, ngành đã cùng chia sẻ về cơ chế hợp tác quốc tế và phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp tuần hoàn, giới thiệu mô hình nông nghiệp tuần hoàn thành công, đánh giá cao sự tích cực chủ động của ngành nông nghiệp về nỗ lực thực hành nông nghiệp tuần hoàn.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng nhấn mạnh tới đối tác công – tư trong sự thành công của nông nghiệp tuần hoàn, cụ thể là vai trò chủ động của Khối tư nhân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai các sáng kiến, mô hình nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến. Các bên cùng nhau nhất trí, cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về nông nghiệp tuần hoàn, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và mục tiêu Net Zero của quốc gia.
Thùy Khánh
Bài và ảnh