Những năm gần đây, mô hình liên kết chăn nuôi an toàn sinh học quy mô trang trại trên địa bàn huyện M’Drắk đang mang lại hiệu quả kinh tế đầy triển vọng, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Từ một hộ tiên phong
Năm 2012, nhận thấy việc trồng rừng quy mô nhỏ lẻ không mấy hiệu quả, gia đình ông Nguyễn Văn Sinh (thôn 4, xã Krông Jing, huyện M'Drắk) đã mạnh dạn chuyển hướng xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo. Ban đầu, ông chỉ nuôi 10 heo nái, 100 heo thịt/lứa. Tuy nhiên, chăn nuôi theo phương thức truyền thống, đàn heo chậm lớn, có lúc bị dịch bệnh gây thiệt hại đến kinh tế gia đình. Không nản lòng, ông Sinh đã tự mày mò nghiên cứu sách, báo về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh; đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi heo tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Năm 2014, ông vay mượn được hơn 5 tỷ đồng, quyết định đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại, phát triển chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học.
Với diện tích đất rẫy 1 ha cách xa khu dân cư khoảng 500 m, ông xây dựng thành hai khu chuồng riêng biệt nuôi heo nái và heo thịt, có hầm biogas để xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong khuôn viên chuồng nuôi đều được lắp đặt hệ thống cho ăn, uống tự động; kiểm soát chặt chẽ người và động vật vào; cổng chuồng trại được bố trí máy phun khử khuẩn… bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Ông Sinh cho biết, để chủ động con giống, hạn chế dịch bệnh khi mua heo giống từ bên ngoài về, ông đã đầu tư mô hình chăn nuôi khép kín. Lúc nào trong trang trại cũng duy trì 100 con heo nái, 1.000 con heo thịt. Nhờ có quy trình chăn nuôi hợp lý, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn heo đầy đủ, đảm bảo vệ sinh thú y chuồng trại… việc nuôi heo an toàn sinh học theo hướng công nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đàn heo luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, được thương lái đánh giá cao. Lợi nhuận mỗi năm từ chăn nuôi heo trên 1 tỷ đồng.
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện M'Drắk tham quan mô hình nuôi heo trang trại liên kết của gia đình ông Nguyễn Văn Sinh.
Đến chuỗi liên kết phát triển
Thời điểm năm 2016 trên địa bàn huyện M'Drắk cũng có nhiều hộ đầu tư chăn nuôi heo thịt quy mô lớn hàng trăm con/chuồng. Tuy nhiên, do đầu tư dàn trải, thiếu vốn và kỹ thuật chăn nuôi nên không mấy người thành công. Với kinh nghiệm và sẵn nguồn vốn, gia đình ông Sinh đã có ý tưởng hỗ trợ người dân đầu tư lại hệ thống chuồng trại, tái đàn chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Khi tham gia chuỗi liên kết sẽ được ông Sinh đầu tư toàn bộ chi phí chăn nuôi như con giống, thức ăn, thuốc thú y… và bao tiêu đầu ra heo thịt. Người nhận liên kết chỉ cần có chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn và bỏ công chăm sóc. Sau khi xuất bán heo, trừ chi phí chăn nuôi thì lời – lỗ đều chia đôi.
Để đảm bảo quy trình chăn nuôi bền vững, ông Sinh đã mở rộng chuồng trại, tăng đàn lên 300 heo mẹ sinh sản, cung ứng giống cho gia đình và các hộ chăn nuôi liên kết; hợp đồng mua thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y “tận gốc” trực tiếp từ các công ty sản xuất (giảm được 20% so với giá thị trường). Ngoài ra, ông còn thuê riêng 2 kỹ sư chăn nuôi thường xuyên giám sát, hướng dẫn người dân liên kết kỹ thuật nuôi heo, bảo đảm nguồn heo sạch, ít rủi ro. Hiện gia đình ông Sinh đang liên kết với hơn 50 hộ dân trong huyện M'Drắk, nuôi thường xuyên 7.000 heo thịt. Các trang trại chăn nuôi theo hình thức xen kẽ các lứa nên hầu như tuần nào cũng có heo bán, đáp ứng thường xuyên nhu cầu thị trường.
Là hộ liên kết với gia đình ông Sinh, anh Tô Quang Phú (thôn 9, xã Ea Lai) đang tích cực chăm sóc 400 con heo để chuẩn bị bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Anh Phú chia sẻ, tham gia chuỗi liên kết, được gia đình ông Sinh bảo trợ đầy đủ từ con giống đến đầu ra nên rất yên tâm. Với giá heo hơi như hiện nay là 51.000 đồng/kg, ước tính vài ngày tới, trang trại của anh sẽ xuất bán trên 40 tấn heo thịt, trừ chi phí lãi khoảng 600 triệu đồng, trong đó gia đình anh thu về 300 triệu đồng.
Trang trại nuôi heo an toàn sinh học của hộ liên kết Tô Quang Phú ở thôn 9, xã Ea Lai.
Chị Trương Thị Tuyền (thôn 3, xã Ea Hmlay) cho hay, năm 2016, việc chăn nuôi heo của gia đình chị gặp rủi ro, thua lỗ dẫn đến nợ hơn 500 triệu đồng. Năm 2018, được gia đình ông Sinh hỗ trợ vốn cải tạo lại chuồng trại, đầu tư 1.200 con giống/lứa cùng mọi chi phí, kỹ thuật nên việc chăn nuôi hiệu quả. Mỗi lứa heo nuôi theo kinh nghiệm trước đây phải 4 tháng mới được 1 tạ/con thì nay chỉ nuôi 3,5 tháng, trong khi chất lượng heo đảm bảo, được thương lái đánh giá cao. Nhờ lợi nhuận từ nuôi heo liên kết, gia đình chị không những trả hết nợ mà còn xây dựng được căn nhà mới khang trang.
Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M'Drắk, mô hình liên kết chăn nuôi trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Sinh là hướng đi đầy triển vọng. Từ mô hình này, thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi hàng hóa tập trung theo phương thức công nghiệp để xây dựng các vùng sản xuất an toàn, bảo đảm cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường; khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm trên địa bàn…
Lê Thành
Nguồn: Báo Đắk Lắk