Chim cút

(Người Chăn Nuôi) – Nuôi chim cút lấy trứng và bán thương phẩm rất dễ, tốn ít công chăm sóc. Nên những năm gần đây, nghề này đã phát triển nhanh chóng trên cả nước.

Đặc điểm

Chim cút (hay còn gọi là chim cay) là một tên gọi chung cho một số chi chim có kích thước trung bình trong họ Trĩ (Phasianidae) hoặc trong họ Odontophoridae (chim cút châu Mỹ Tân thế giới) cùng bộ. Chim cút thuộc nhóm chim bay (Carinatae), gồm 25 bộ, trong đó có Bộ gà (Galliformes) gồm những loài chim như gà, gà lôi, công, trĩ, chim cút… chúng có cánh ngắn, tròn nên bay kém, chân to, khỏe, móng cùn. Mỏ ngắn, thích nghi với bới đất tìm thức ăn. Con trống sặc sỡ, nhất là vào mùa sinh sản. Chim non nở ra có lông che phủ và khỏe.

 

Nguồn gốc

Là các loài chim nhỏ, mập mạp, sống trên đất liền, chim cút ăn hạt, nhưng cũng ăn cả sâu bọ và các con mồi nhỏ tương tự, làm tổ trên mặt đất. Một số loài chim cút được nuôi với số lượng lớn trong các trang trại. Chúng bao gồm chim cút Nhật Bản, cũng được biết đến như là chim cút Coturnix, được nuôi giữ chủ yếu để sản xuất trứng và được bán rộng khắp thế giới.

chim cút - chăn nuôi

Chúng có nguồn gốc ở châu Á, chúng sống thích hợp ở những vùng khí hậu ấm áp và hơi nóng. Lần đầu tiên giống này được thuần hóa ở Nhật Bản từ thế kỷ thứ XI (Coturnix japonica). Lúc đầu người ta thuần hóa chúng để nuôi như một loài chim cảnh và chim hót, mãi đến năm 1900, cút Nhật Bản mới được nuôi để lấy thịt và trứng ăn, sau đó nhanh chóng lan sang nhiều nước trên thế giới. Chim cút có nhiều giống khác nhau, chuyên thịt hoặc chuyên trứng, có giống chuyên nuôi để phục vụ săn bắn, như giống cút Bốp – oai (Bobwhile), có giống nuôi để làm cảnh, nghe hót như giống cút Xinh – ging (Singing quail). Ở châu Mỹ cũng có nhiều giống, nhưng nuôi để lấy thịt và trứng thì chủ yếu vẫn là chim cút Nhật Bản.

Thịt chim cút gần giống thịt gà nhưng tốt hơn, có hàm lượng protein cao, chất béo thấp (khi bỏ da, chất béo giảm khoảng 60 – 80% so với gà). Trong thành phần lipit, có mỡ không no và axit béo không bão hòa, giàu khoáng chất, nhất là phospho, sắt, đồng, kẽm và selenium. Thịt chim cút giàu Vitamin niacin (Vitamin B3) và pyridoxine (Vitamin B6) lơn so với thịt gà.

 

Chim cút ở Việt Nam

Chim cút được nhập vào và phát triển mạnh ở miền Nam trong những năm 1971 – 1972, phong trào nuôi chim cút nở rộ vào những năm 1985 – 1990, với con giống chim cút Pharaoh, nặng khoảng 180 – 200 g. Đến khoảng năm 1980, nhập thêm giống cút Pháp, to hơn cút Pharaoh, con trưởng thành nặng tới 250 – 300 g, có màu lông trắng hơn cút Pharaoh. Ngoài ra, trên thị trường còn một số chim cút Anh, khối lượng trung gian giữa cút Pharaoh và cút Pháp, trung bình nặng 220 – 250 g, có lông màu nâu sẫm, rất khó phân biệt trống mái, chỉ phân biệt được khi đã trưởng thành.

Năm 1971, miền Bắc nước ta cũng nhập trứng cút từ Pháp để nhân giống được nuôi tại Viện Chăn nuôi. Tháng 4/1997, Viện Chăn nuôi tiếp tục nhập chim cút Nhật Bản và chim cút Mỹ.

Hiện nay, thịt và trứng chim cút đã trở thành các thực phẩm quen thuộc trên thị trường và chăn nuôi chim cút đã trở thành một nghề phổ biến của nhiều hộ nông dân với các quy mô khác nhau: từ vài trăm con tới hàng chục ngàn con. Tổng đàn chim cút trong cả nước đã lên đến hàng chục triệu con, tốc độ phát triển không ngừng tăng cao do kỹ thuật chăn nuôi đơn giản và ít rủi ro hơn so với chăn nuôi các đối tượng gia cầm khác.

 

Hiệu quả từ chim cút

Phát triển kinh tế địa phương, ông Hà Văn Thành ở xóm Lãi, xã Tây Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) thành công với mô hình nuôi chim cút “sạch”. Hiện nay, gia đình ông thường xuyên duy trì đàn chim cút khoảng 5.000 – 6.000 con tại 2 khu chuồng nuôi được xây dựng thoáng mát, đúng kỹ thuật với diện tích gần 500 m2. Ông Thành còn tìm tòi nuôi chim cút đẻ và ấp nở chim con để tự bảo đảm nguồn con giống cho gia đình và các hộ xung quanh. Thời gian nuôi chim cút từ con giống đến khi đẻ trứng là 75 – 85 ngày. Mỗi lứa cút giống sẽ cho thu trứng trong vòng 1 năm với tỷ lệ đẻ thường xuyên là trên 80%. Giá bán tại chuồng là 14.000 đồng/con với chim cút đực và 16.000 đồng/con với chim cút mái. Bình quân mỗi năm, gia đình ông nuôi khoảng gần 20.000 con chim cút các loại, sau khi trừ chi phí còn thu lãi 160 – 170 triệu đồng/năm từ xuất bán chim cút thịt và chim giống.

Anh Trần Thanh Phương ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành (Bình Phước) đang nuôi khoảng 12 ngàn con chim cút, trong đó khoảng 11 ngàn con đẻ, mỗi ngày thu khoảng 10 ngàn trứng. Với giá bán hiện nay 400 đồng/trứng cút thường, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí và khấu hao chuồng trại, gia đình anh lãi 200 triệu đồng. Ngoài việc nuôi lấy trứng, gia đình anh cũng tận dụng nguồn phân chim bán cho các nhà vườn, thu thêm mỗi tháng khoảng 3,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người nuôi phải chú trọng phòng chống bệnh tiêu chảy, giúp chim đẻ khỏe, kéo dài thời gian cho trứng. Cần tiêm phòng vaccine và các loại thuốc phòng chống dịch bệnh; xây chuồng trại thông thoáng, vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Bên cạnh đó, mở rộng thêm chuồng trại nuôi cút phải thận trọng để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng dư thừa.

>> Từ loài chim sống hoang dã phải mất trên 6 tháng mới thành thục sinh dục và chỉ đẻ vài chục trứng/năm, con người đã thuần hóa, chọn lọc và tạo ra các giống chim cút hiện đại, chỉ 5 – 6 tuần tuổi đã bắt đầu đẻ trứng và có thể đẻ đến trên 400 trứng/năm. Vì những ưu điểm đó, chim cút được chăn nuôi phổ biến ở mọi vùng miền trên thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *