Chăn nuôi Việt Nam: Cơ hội và thách thức

(Người Chăn Nuôi) – Những năm qua, chăn nuôi đã có những đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam về giá trị sản xuất và tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân. Sản phẩm thịt, trứng gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu chính ngạch, từng bước khẳng định Việt Nam là một quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển khá năng động. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, bên cạnh các cơ hội, ngành này được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tăng trưởng khá nhưng kém

Giai đoạn 2015 – 2023, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi Việt Nam luôn duy trì sự tăng trưởng tương đối cao, bình quân 5 – 6%/năm. Bên cạnh phương thức chăn nuôi truyền thống, loại hình sản xuất công nghiệp, trang trại quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, hiện đại có xu hướng ngày càng phát triển. Vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cũng được cải thiện đáng kể. Xét về tổng thể, năng suất và chi phí sản xuất gia cầm nước ta thuộc nhóm trung bình, nhưng nếu tính riêng ở khu vực chăn nuôi công nghiệp thì các chỉ tiêu năng suất của Việt Nam cũng đạt tương đương với các nước phát triển.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 – 2023, tổng đàn vật nuôi có sự biến động lớn. Trong đó, số lượng lợn là vật nuôi tăng giảm thất thường nhất. Nếu như năm 2016 được ghi nhận là năm có tổng đàn lợn đạt cao nhất, 29,1 triệu con, thì năm 2017 đã giảm xuống còn 27,4 triệu con (do khủng hoảng thừa) và tăng trở lại vào năm 2018 là 28,1 triệu con. Tuy nhiên, sau đó lại giảm sâu kỷ lục vào năm 2019 do dịch tả heo châu Phi, chỉ còn 23,4 triệu con. Ðến năm 2020 đàn lợn dần hồi phục dần, đạt 25,8 triệu con, nhưng lại tiếp tục giảm còn 23,2 triệu con vào năm 2021 và bắt đầu tăng lên 24,7 triệu con vào năm 2022. Về tổng sản lượng thịt lợn tăng từ 3816,4 ngàn tấn năm 2015 lên 4.520,8 ngàn tấn năm 2022.

Gia cầm là ngành hàng chiếm vị trí thứ hai về sản lượng thịt, trứng và giá trị sản xuất sau ngành hàng thịt lợn. Từ năm 2015 đến 2023, tổng đàn gia cầm có mặt thường xuyên từ 342 triệu con tăng lên 533 triệu con, sản lượng thịt tăng từ 908 ngàn tấn tăng lên 2.015 ngàn tấn; sản lượng trứng tăng từ 8.875 triệu quả lên 18.490 triệu quả. Ðàn bò tăng từ 5,37 triệu con lên 6,34 triệu con; đàn trâu giảm từ 2,52 triệu con xuống còn 2,23 triệu con; tổng sản lượng thịt trâu, bò tăng từ 426,7 ngàn tấn lên 601 ngàn tấn. Sản lượng sữa tươi tăng từ 936,7 ngàn tấn năm 2018 lên 1.124,7 ngàn tấn năm 2022.

chăn nuôi Việt Nam

Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi luôn tăng trưởng tương đối cao. Ảnh: istock

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp ở Việt Nam đã tăng trưởng khá cao, đạt bình quân từ 13 – 14%/năm. Tổng sản lượng TĂCN công nghiệp từ 15,847 triệu tấn tấn năm 2015 đã tăng lên 20,3 triệu tấn năm 2022, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Ðông Nam Á về sản lượng TĂCN công nghiệp, xếp trên cả Thái Lan và Indonesia.

Hiện nay tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm. Ðể đáp ứng nhu cầu này, nước ta đã và đang phải nhập khẩu (chiếm 65 – 85% tùy từng loại) số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi sản xuất trong nước chỉ cung cấp được khoảng 11 – 12 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 30 – 35% tổng nhu cầu, trong đó có khoảng 4,9 triệu tấn cám gạo, 1,7 triệu tấn ngô hạt; 0,5 triệu tấn sắn lát; 65,4 nghìn tấn đậu tương…

Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khoảng 26,0 triệu tấn nguyên liệu TĂCN (bao gồm cả nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản), giá trị nhập khẩu 8,7 tỷ USD. Trong đó, nguyên liệu giàu năng lượng (ngô, lúa mỳ…) là gần 10,0 triệu tấn; nguyên liệu giàu đạm (khô dầu các loại, nguyên liệu nguồn gốc động vật…) là 8,2 triệu tấn; thức ăn bổ sung 567 nghìn tấn…

Về tình hình thương mại sản phẩm chăn nuôi, phần lớn (trên 95%) thịt, trứng sữa sản xuất trong nước được tiêu thụ nội địa, sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ trọng thấp. Bên cạnh sản phẩm thịt, trứng, sữa sản xuất trong nước, thì hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 550.000 – 650.000 tấn thịt các loại, trong đó thịt gà đông lạnh nhập bình quân 250.000 – 260.000 tấn/năm. Trong những năm qua, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi diễn biến phức tạp, không ổn định và gặp nhiều khó khăn, giá bán phần lớn ở mức thấp.

Hiện bình quân một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 65 – 68 kg thịt hơi các loại/người/năm, khoảng 175 – 179 quả trứng/người/năm và sữa tươi 10,9 kg/người/năm.

Nhiều cơ hội

Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dự báo sẽ tiếp tục tăng. Theo FAO, tăng trưởng tiêu thụ protein thịt trên toàn cầu trong thập kỷ tới dự báo sẽ tăng 14% vào năm 2030, do tăng thu nhập và tăng dân số. Nguồn cung cấp protein từ thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và thịt cừu được dự báo sẽ tăng tương ứng 5,9%, 13,1%, 17,8% và 15,7% vào năm 2030.

Thương mại thịt quốc tế sẽ mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các quốc gia ở châu Á và cận Ðông, nơi sản xuất phần lớn sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu. Trên toàn cầu, thịt gia cầm dự báo sẽ chiếm 41% tổng lượng protein từ các nguồn thịt vào năm 2030. Thị phần các sản phẩm thịt khác thấp hơn: thịt bò (20%), thịt lợn (34%) và thịt cừu (5%). Ðây là cơ hội tạo đòn bẩy thúc đẩy ngành chăn nuôi trong nước phát triển.

Trong nước nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng, sữa được dự báo vẫn không ngừng gia tăng. Dự báo dân số Việt Nam đến năm 2030 sẽ tăng lên 105 triệu người, GDP bình quân/người là 7.500 USD, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng sữa tăng. Trong giai đoạn 2022 – 2030, tổng lượng tiêu thụ thịt tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng 20 – 25%. Ðến năm 2030, trung bình mỗi người Việt Nam sẽ tiêu thụ hơn 51 kg thịt xẻ mỗi năm, trong đó có 31 kg thịt lợn, hơn 16 kg thịt gà và hơn 4 kg thịt bò. Về dài hạn, ngành thịt ở Việt Nam có giá trị trên 15 tỷ USD.

chăn nuôi việt nam

Số lượng đàn lợn cả nước có nhiều biến động qua các năm. Ảnh: ST

Hành lang pháp lý ở Việt Nam để phát triển chăn nuôi khá thông thoáng. Thời gian qua, một loạt văn bản pháp luật và chính sách đã được ban hành ở nước ta: Luật Chăn nuôi năm 2018; Chiến lược Phát triển Chăn nuôi đến 2045; Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2023; Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; Chính sách tín dụng; chính sách bảo hiểm vật nuôi, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Chính sách mới sắp ban hành về đầu tư vào chăn nuôi… Ðến nay, Việt Nam đã ký kết 18 Hiệp định thương mại tự do, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mở, một trung tâm trung chuyển hàng hóa hàng đầu thế giới (đánh giá của IMF và WB).

Thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và trong nước vào lĩnh vực chăn nuôi. Về vĩ mô, Việt Nam là nước có nền chính trị ổn định, không có chiến tranh, xung đột trong nhiều năm qua, nên thu hút được đầu tư nước ngoài, trong khi đó nước ta có nhiều chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI và trong nước. Chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ khá tốt, giúp kiềm chế lạm phát, giữ đồng tiền Việt Nam tương đối ổn định so với đồng USD. Theo công bố của Cục Ðầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm hiện tại nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam lên tới 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2022. Với 81 dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thức ăn, chăn nuôi lợn, gà, bò, giết mổ, chế biến.

Không ít thách thức

Bên cạnh các cơ hội nêu trên, ngành chăn nuôi được dự báo sẽ phải đối mặt với các thách thức sau đây:

Thách thức giữa phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô lớn với việc duy trì chăn nuôi truyền thống để bảo đảm sinh kế cho nông dân. Một mặt Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp FDI, trong nước đầu tư sản xuất chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi khép kín để nâng cao khả năng cạnh tranh. Mặt khác phải duy trì sinh kế cho hàng triệu nông dân gắn với nghề chăn nuôi truyền thống. Những năm gần đây, số hộ gia đình chăn nuôi đang giảm mạnh, bình quân trong 5 năm qua giảm 20%/năm.

Sự mở cửa tự do trong lĩnh vực chăn nuôi vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với ngành này. Theo lộ trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (HÐTMTD), thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi (SPCN) sẽ giảm xuống 0%, hậu quả là SPCN từ các nước sẽ có cơ hội tràn vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia tham gia HÐTMTD sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong nước vốn đang yếu thế nhiều mặt. Vì vậy, sức ép cạnh tranh về đầu tư và thị trường nội địa sẽ càng trở nên gay gắt hơn.

Sự phụ thuộc quá lớn nguồn cung nguyên liệu TĂCN, con giống, thiết bị chăn nuôi từ nước ngoài khiến giá thành sản xuất trong nước bị đội lên. Cụ thể: từ 80 – 90% nguyên liệu TĂCN, gần 100% giống lợn, gà công nghiệp lông trắng, giống bò sữa, bò thịt cao sản; khoảng 80% các loại vaccine và 70 – 80% thiết bị chăn nuôi hiện đại phải nhập khẩu. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động mạnh đến sự phát triển bền vững của sản xuất chăn nuôi trong nước.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bấp bênh, nhiều khó khăn. Mặc dù dân số lớn, nhu cầu tăng nhưng sức mua hạn chế, mức tiêu thụ chưa tăng tương xứng. Trong khi đó, thị trường nông sản Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu minh bạch, mất cân đối trong các khâu mua và bán. Giá bán sản phẩm chăn nuôi đến người tiêu dùng cao gấp 2 – 2,5 lần so với giá mua tại trại. Tình trạng nhập siêu thịt gà, thịt bò cùng với nhập lậu sản phẩm chăn nuôi giá rẻ vẫn diễn biến phức tạp, khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước càng khó khăn. Trong 5 năm qua, khủng hoảng về thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước khiến nhiều doanh nghiệp và người nông dân lao đao.

Dịch bệnh trên vật nuôi vẫn là nguy cơ cao và gây thiệt hại lớn. Các bệnh trên động vật như: ASF, cúm gia cầm độc lực cao (HPAI), lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả heo châu Phi… luôn tiềm ẩn những rủi ro đáng kể đối với ngành chăn nuôi. Một số bệnh cổ điển (Marek, MD…) xuất hiện nhiều chủng virus mới khó phòng chống hơn.

Quỹ đất dành cho chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp do công nghiệp hóa và đô thị hóa, nhất là khu vực ÐBSH, ÐBSCL. Hiện nay, đất dành cho chăn nuôi trong quỹ đất nông nghiệp khác chỉ có khoảng 58.532 ha/27.983.482 ha đất nông nghiệp, chiếm 0,21%. Trong khó đó, giá thuê đất, tiền giải phóng mặt bằng ngày càng cao, khó thỏa thuận, khiến tăng chi phí đầu tư. Các thủ tục hành chính về đất đai phức tạp, chậm được giải quyết đang cản trở đến tiến độ nhiều dự án đầu tư mới.

Về lĩnh vực sản xuất TĂCN, trong số 237 nhà máy chỉ có 61 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 25,7%) nhưng sản lượng bán ra thị trường chiếm trên 65%. Khoảng 95% thị phần sản phẩm thịt gà công nghiệp lông trắng do các doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh. Do thiếu vốn đầu tư, năng lực quản trị doanh nghiệp yếu, sản xuất không theo chuỗi, nên các doanh nghiệp nội đang bị thu hẹp dần cả về quy mô và sản lượng. Số hộ chăn nuôi cũng đang bị giảm dần qua các năm hoặc chuyển sang chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI.

Việc thực thi pháp luật về phúc lợi động vật cũng là thách thức đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Theo quy định tại Luật Chăn nuôi, quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu khoa học trên vật nuôi đều phải bảo đảm phúc lợi động vật (PLÐV). Về khía cạnh kinh tế, việc bắt buộc thực thi các quy định về PLÐV sẽ kéo theo chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi không tăng tương xứng sẽ là gánh nặng đối với doanh nghiệp và người chăn nuôi Việt Nam. Mâu thuẫn giữa yêu cầu của pháp luật và thói quen văn hóa của người Việt về PLÐV sẽ không thể được giải quyết một sớm một chiều.

TS. Nguyễn Thanh Sơn

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *