(Người Chăn Nuôi) – Chăn nuôi gia cầm thông minh được hỗ trợ bởi các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), cảm biến và phần mềm. Chúng cho phép khai thác dữ liệu trên nhiều thông số khác nhau như nhiệt độ, độ ẩm, mức amoniac và lượng thức ăn nạp vào…
Ngoài mục đích tăng năng suất chăn nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh, chăn nuôi gia cầm thông minh cũng giúp tiết kiệm lao động hơn. Với những lợi ích này, chăn nuôi gia cầm thông minh chắc chắn sẽ sớm thành công và ngày càng mở rộng. Hơn nữa, chi phí cho các công nghệ như thiết bị IoT và mạng internet dần hợp lý hơn, mở ra cơ hội tiếp cận cho các hãng sản xuất quy mô vừa và nhỏ nắm bắt công nghệ mới.
Chăn nuôi gia cầm thông minh đã thổi một làn gió mới vào ngành công nghiệp gia cầm châu Á. Tại Indonesia, công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp Integrasi Teknologi Unggas đã phối hợp với Khoa Khoa học Ðộng vật, Ðại học Gadjah Mada để phát triển BroilerX, một giải pháp kỹ thuật số tích hợp cho ngành gia cầm. Công nghệ này giúp người chăn nuôi gà thịt nâng cao hiệu quả sản xuất. BroilerX có 4 cảm biến môi trường tự động ghi dữ liệu bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, CO2 và amoniac. Nền tảng này có hệ thống cảnh báo sớm kích hoạt trên ứng dụng trong thời gian thực. Nhờ đó, nông dân nuôi gia cầm tại Indonesia có thể giải quyết các vấn đề sản xuất ngay lập tức. Họ có thể ghi lại dữ liệu từ lúc gà con đến lúc thu hoạch một cách nhanh chóng và dễ dàng. Các thông tin như lượng thức ăn ăn vào, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và giá vốn hàng bán sẽ được xử lý tự động. Hay tại Thái Lan, Thaifoods Group đang triển khai các công nghệ kỹ thuật số như IoT trong trang trại chăn nuôi gà ở tỉnh Kanchanaburi.
Tuy nhiên tại châu Á, chỉ có các hãng sản xuất lớn và các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp mới đầu tư vào công nghệ mới như máng ăn và hệ thống vòi uống tự động, hệ thống thông gió, chiếu sáng, cân, phần mềm quản lý và IoT. Nhiều nông dân vẫn chưa quen với công nghệ kỹ thuật số và họ có xu hướng ghi dữ liệu theo cách thủ công nên cần phải đơn giản hóa việc thu thập và xử lý dữ liệu. Công nghệ dễ sử dụng và giá rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự được sản xuất ở nước ngoài sẽ là một điểm cộng. Do đó, các hãng cung cấp hệ thống chăn nuôi thông minh phải sẵn sàng hỗ trợ giải quyết vấn đề kết nối internet còn nhiều bất cập ở những vùng sâu, vùng xa, thường là địa điểm phù hợp để xây dựng trang trại chăn nuôi. Ðồng thời cũng cần tập trung vào công tác đào tạo để đảm bảo công nghệ mới được vận hành hiệu quả.
Hiện nay, nhiều trang trại và công ty lớn tại châu Á đã cài đặt phần mềm quản lý và IoT. Nhưng tỷ suất lợi nhuận của ngành chăn nuôi gia cầm hiện đang eo hẹp nên một số nhà sản xuất đang cân nhắc lợi nhuận trước khi đưa ra quyết định đầu tư mới. Tuy nhiên, về lâu dài, đầu tư vào công nghệ mới sẽ là xu hướng tất yếu, vì nó giúp người sản xuất giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, giải quyết tình trạng thiếu lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo lợi thế cạnh tranh. Chi phí cho các công nghệ như thiết bị IoT và mạng sẽ rẻ hơn và nhiều trang trại sẽ sử dụng IoT để cải thiện năng suất, ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng lợi nhuận.
Phet Nantavisai
COO Thaifoods Group