Chăn nuôi lợn giai đoạn hiện nay đang cho lợi nhuận tốt

(Người Chăn Nuôi) – Thời điểm này, giá thịt lợn hơi trong nước cao hơn không đáng kể so với mức giá của các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số tỉnh biên giới của Trung Quốc. 

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, giá lợn thịt hơi xuất chuồng trong giai đoạn đầu năm ổn định xung quanh mức 52.000 – 60.000 đồng/kg, bắt đầu tăng từ tháng 5, 6 năm 2024 và tăng mạnh vào tháng 6. Đây cũng là xu hướng chung của đa số quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, thậm chí có thời điểm giá lợn hơi vượt mức 70.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống mức từ 64.000 – 66.000 đồng/kg trong tháng 7 và tháng 8. Tuy nhiên, đến tháng 9/2024, giá lợn hơi lại tăng trở lại, với mức giá tăng thêm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.

giá thịt lợn trong nước

Cục Chăn nuôi nhận định, lợi nhuận trong chăn nuôi lợn hiện nay đang khá tốt. Ảnh: ST

Hiện nay, giá bán tại trại khu vực tư nhân trên cả nước bình quân dao động từ 65.000 – 67.000 đồng/kg và giá tại trại của các công ty lớn cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Như vậy, cùng với việc giá nguyên liệu thức ăn và thức ăn thành phẩm giảm thì với mức giá bán như hiện nay người chăn nuôi đang có lãi. Đây là yếu tố tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng đàn lợn.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá thịt lợn tăng cao liên tục trong những ngày qua trước hết do nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng. Hiện nay là giai đoạn cao điểm để các doanh nghiệp tập trung thu mua, chuẩn bị nguồn cung thịt chế biến phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá thịt tăng.

“Nguồn cung thịt lợn năm nay bị thiếu hụt lớn do bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nghiêm trọng. Theo báo cáo của Cục chăn nuôi, tổng đàn lợn năm nay tăng hơn 3%. Nhưng thực tế, dịch tả lợn châu Phi diễn biến mạnh trong tháng 9 – 11 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung khiến giá tăng cao và liên tục”, ông Đoán chia sẻ. 

Trước đó, tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững diễn ra vào tháng 8/2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị đảm bảo nguồn cung thịt lợn tăng thêm 10 – 15% dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh, biến động giá cả, kiểm soát chặt tình trạng nhập lậu lợn tại biên giới phía Nam. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, nguồn cung thịt lợn của Việt Nam những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025 cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt nói chung, thịt lợn nói riêng sẽ không tăng đột biến. Hiện sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 – 40%, sản lượng lợn trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đã chiếm tới 60 – 65%. Để đảm bảo cân đối nguồn cung cầu, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng nguồn cung thịt lợn sẽ phải tăng thêm 10 – 15%. 

Trong khi đó, Cục Chăn nuôi dự báo, các tháng đầu năm 2025, giá lợn hơi trên các vùng miền sẽ tiếp tục theo xu hướng tăng khoảng 3 – 5% so với mức giá hiện tại. Đáng chú ý, khi giá giống tăng, giá sản phẩm chăn nuôi tăng sẽ tác động đến tâm lý người sản xuất trong nước, người chăn nuôi có xu hướng chờ giá tăng tiếp mới bán, có thể gây thiếu hụt cục bộ và tăng giá thời điểm. 

Cũng theo Cục Chăn nuôi, không loại trừ trường hợp một số doanh nghiệp có thị phần lớn có thể hạn chế xuất bán lợn giống, đầu cơ, găm hàng, neo giá cao để hưởng lợi. Riêng chăn nuôi lợn, giá thành sản xuất dao động từ 47.000 – 52.000 đồng/kg (giữa khu vực doanh nghiệp, trang trại vừa, nông hộ) thì lợi nhuận trong chăn nuôi lợn hiện nay đang là khá tốt.

Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *