(Ngưởi Chăn Nuôi) – Việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số và xây dựng chuỗi liên kết khép kín sẽ là “chìa khóa” để ngành chăn nuôi heo vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội, và đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025.
Đóng góp quan trọng
Theo số liệu của Cục Thống kê, giai đoạn 2020 – 2024, đàn heo của cả nước tăng dần qua các năm với tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình 4,4% mỗi năm. Trong đó, 2024 là năm có số lượng đàn heo cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Kết thúc quý I/2025, tổng đàn heo của cả nước là 31,8 triệu con (giảm hơn 200.000 con so với thời điểm ngày 1/1/2025 (giảm 0,63%), nhưng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024).
Đặc biệt, tiêu thụ thịt heo của Việt Nam cũng đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021 khoảng 30 kg/người/năm; năm 2022 khoảng 32 kg/người/năm, năm 2023 khoảng 33,8 kg/người/năm; năm 2024 ước đạt 37,04 kg/người/năm, qua đó đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ thịt heo.
Báo cáo tại Hội nghị bàn về việc phát triển chăn nuôi heo trong tình hình mới tổ chức ngày 3/4 tại Hà Nội; ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, ngành chăn nuôi heo của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Đó là, thể chế ngày càng hoàn thiện, thị trường tiêu thụ tiềm năng, giá thức ăn chăn nuôi giảm và ổn định, cùng cơ hội tiếp cận công nghệ mới. Tuy nhiên, hiện ngành này vẫn còn nhiều thách thức như: thói quen giết mổ nhỏ lẻ, khó kiểm soát an toàn sinh học, phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào và liên kết chuỗi còn hạn chế. Đặc biệt, trong quý I/2025, giá thịt heo tăng sớm và nhanh, dẫn đến tình trạng thiếu hụt ở phía Nam.
Năm 2024, ngành chăn nuôi mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh, thiên tai…; tuy nhiên giá trị sản xuất của chăn nuôi vẫn tăng 5,4% so với năm 2023. Đây là con số khá cao so với tăng trưởng chung (3,27%) của ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023. Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1.700 con heo sống (tương đương 662.000 USD).
Thay đổi để bắt kịp xu thế
Các chuyên gia nhận định, 2025 sẽ là năm có nhiều biến động bất lợi đối với ngành chăn nuôi heo toàn cầu. Sự tăng giảm sản lượng không đều tại các quốc gia, sự biến động khó lường của giá thức ăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, xu hướng thay thế thịt heo bằng các loại thịt khác có lợi cho sức khỏe ngày càng phát triển. Dự báo năm 2025, sản lượng thịt heo toàn cầu sẽ giảm nhẹ xuống còn 115,1 triệu tấn, giảm 0,8% so với năm 2024, do ảnh hưởng từ các thị trường lớn như Trung Quốc và EU.
Trong bối cảnh đó, ngành chăn nuôi heo tại nước ta đã thay đổi cách thức tiếp cận, chuyển dịch nhanh từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học và giảm phát thải.
Đổi mới công nghệ sẽ trở thành giải pháp để tối ưu hóa hoạt động chăn nuôi heo. Ảnh: BAF
Chăn nuôi heo Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội; với sự đầu tư ngày càng lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp về quy mô chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nước và quốc tế, các công nghệ quản lý hiện đại về hệ thống chuồng trại và quản lý quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh và quản lý môi trường chăn nuôi; cùng với đó các chiến lược kinh doanh thông minh có phân tích, dự báo. Bên cạnh đó, chăn nuôi nông hộ đang có xu hướng giảm mạnh (15 – 20%/năm) và chuyển dịch dần sang chăn nuôi chuyên nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và quản lý tốt môi trường.
Những xu hướng thay đổi này không chỉ giúp chăn nuôi heo của Việt Nam tăng về năng suất và chất lượng mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và cải thiện phúc lợi xã hội, phúc lợi động vật.
Theo quy định của Luật Chăn nuôi kể từ ngày 1/1/2025, tất cả cơ sở chăn nuôi đang hoạt động trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời hoặc ngừng hoạt động. Vì vậy, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện ngày càng có nhiều dịch bệnh và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ngày một đòi hỏi cao hơn.
Giải pháp thực hiện
Để tuân thủ theo quy định của Luật Chăn nuôi, các địa phương đã tổng rà soát các cơ sở chăn nuôi thuộc khu vực không được phép chăn nuôi và buộc di dời hoặc ngừng hoạt động những cơ sở này theo quy định. Điều này trực tiếp góp phần chuyển đổi ngành cả về cơ cấu, quy mô và vùng chăn nuôi.
Cùng với sự di dời này, các chủ cơ sở chăn nuôi đã buộc phải cải thiện và đầu tư cơ sở vật chất mới, mở rộng hoặc nâng cấp quy mô chăn nuôi… để phù hợp với tình hình chăn nuôi mới. Đây là bước chuyển dịch quan trọng góp phần phát triển ngành chăn nuôi heo bền vững trong thời gian tới.
Bước sang giai đoạn 2025 – 2030 đổi mới công nghệ sẽ trở thành “chìa khóa” để tối ưu hóa hoạt động chăn nuôi heo. Bên cạnh việc tăng số lượng đàn, mở rộng quy mô sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến vấn đề đổi mới công nghệ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các biện pháp tăng cường an toàn sinh học là cốt lõi để để phòng, chống dịch bệnh, góp phần sản xuất sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Phạm Kim Đăng cho rằng, trước mắt cần tăng cường phòng chống dịch bệnh, kiểm soát biên giới để ngăn chặn nhập lậu, mở rộng thị trường và xúc tiến xuất khẩu. Về lâu dài, cần quy hoạch lại ngành chăn nuôi, tập trung nguồn lực vào các vùng trọng điểm, đầu tư khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi đến phân phối.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, con giống luôn giữ vai trò quan trọng quyết định hiệu quả chăn nuôi, cũng là một trong những giải pháp để ngành phát triển bền vững. Địa phương căn cứ vào nhu cầu của người chăn nuôi để quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố, mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học trong phát triển nguồn giống, như thụ tinh nhân tạo, lưu trữ, bảo vệ nguồn gen; quản lý đàn heo giống cấp cụ kỵ, ông bà đủ tiêu chuẩn để sản xuất giống phục vụ sản xuất.
“Thời gian tới ngành chăn nuôi cần hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng. Chăn nuôi heo Việt Nam nói riêng và chăn nuôi nói chung sẽ phát triển theo hướng công nghiệp, áp dụng chuyển đổi số để năng suất và chất lượng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gợi mở.
Thùy Khánh