(Người Chăn Nuôi) – Chăn nuôi heo là lĩnh vực trọng yếu của ngành chăn nuôi nước ta, tỷ lệ đầu con hàng năm rất lớn, đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm trong nước. Tuy nhiên, dịch bệnh và thị trường, giá thành sản xuất, điều kiện chăn nuôi đang là những trở ngại lớn để ngành hàng này mang lại hiệu quả như mong đợi. Do vậy, việc tìm được giải pháp trúng và kịp thời luôn đặt ra một cách cấp bách.
Biến động tổng đàn
Báo cáo của Cục Chăn nuôi tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển chăn nuôi heo bền vững và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 18/3/2022 cho thấy, trong thời gian qua, tăng trưởng đàn heo của nước ta có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng sản xuất. Trong đó, tổng đàn đạt cao nhất vào năm 2016 (29,1 triệu con), thế nhưng do có khủng hoảng thừa, nên năm 2017 tổng đàn heo đã giảm khá nhiều (27,4 triệu con) và mặc dù tăng nhẹ vào năm 2018 nhưng sang năm 2019 lại bị giảm sâu kỷ lục (19,6 triệu con) do ảnh hưởng của Dịch tả heo châu Phi (ASF). Với sự nỗ lực của toàn ngành, tổng đàn heo được hồi phục nhẹ năm 2020 (22 triệu con) và tăng trưởng trở lại vào năm 2021 (28 triệu con).
Trong giai đoạn 2015 – 2021, tổng đàn heo cả nước tăng trưởng bình quân 0,2%/năm, đàn nái giảm 3,5%, tuy nhiên đàn nái cụ kỵ, ông bà tăng 2,9%, số heo thịt xuất chuồng tăng 0,3% và tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 2,8% do năng suất sinh sản và khối lượng xuất chuồng của heo thịt tăng lên. Theo số liệu thống kê, năm 2021, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 4,18 triệu tấn, chiếm 62,5% trong tổng sản lượng thịt hơi 6,69 triệu tấn.
Do tác động quá lớn của ASF, nguồn cung thịt trong năm 2020 và đầu năm 2021 sụt giảm mạnh. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu thịt heo. Theo đó, đã nhập 447,6 ngàn con heo sống để giết thịt, tương đương 44,8 ngàn tấn thịt. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 346.000 con heo sống và nhập khẩu 143.463 tấn thịt heo.
Tuy nhiên, trái ngược lại, xuất khẩu thịt heo của nước ta vẫn không khả quan và số lượng khá khiêm tốn. Tính riêng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu khoảng 5.000 tấn heo sữa và heo choai sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Malaysia…
Thời gian qua, tăng trưởng đàn heo của nước ta có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng sản xuất – Ảnh: Ngọc Minh
Chăn nuôi heo có sự chuyển dịch lớn
Sự tấn công dữ dội của ASF không chỉ khiến cho số lượng đàn heo nuôi trong nước giảm mạnh, mà còn khiến cho cơ cấu chăn nuôi heo thay đổi khá lớn. Theo đó, chăn nuôi đang chuyển dịch từ quy mô nhỏ sang những mô hình lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.
Năm 2011, cả nước có khoảng trên 4,13 triệu cơ sở chăn nuôi heo, đến năm 2016 số lượng này giảm xuống còn 3,4 triệu; Sau đợt khủng hoảng 2017 về giá, cả nước chỉ còn khoảng 2,5 triệu cơ sở và sang năm 2020, con số này là khoảng 2 triệu.
Chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Hiện nay, sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 – 40%; Sản lượng trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 50 – 60%.
Năm 2021, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi heo từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn heo của cả nước.
Khó khăn bủa vây
Có thể nói, trong mấy năm qua, chăn nuôi chịu tác động rất lớn của dịch bệnh cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Trước tiên, ASF bùng phát mạnh tại nhiều địa phương. Riêng năm 2021, bùng phát gần 700 ổ dịch tại 42 tỉnh, thành phố, gây chết và tiêu hủy gần 120.000 con heo. ASF đã gây sụt giảm mạnh tổng đàn dẫn đến thiếu hụt thực phẩm buộc nước ta phải nhập khẩu thịt heo, thậm chí cả heo sống về giết mổ.
Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế – xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, cung ứng nông sản. Ngành chăn nuôi gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh.
Chưa kể, việc tăng giá kỷ lục của nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường quốc tế đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng. Bởi theo tính toán, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65 – 70% giá thành sản xuất. Điều này đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi heo giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.
Ngoài ra, chăn nuôi heo nước ta còn gặp bất cập trong khâu tổ chức sản xuất gắn với thị trường, năng suất sản xuất chăn nuôi hạn chế. An toàn sinh học yếu, phòng chống dịch bệnh khó khăn. Chưa phát triển được các thương hiệu heo bản địa, đặc hữu…
Đâu là giải pháp hữu hiệu?
Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 thì kế hoạch đến năm 2030, tổng đàn heo ổn định ở quy mô đầu con có mặt thường xuyên khoảng 30 triệu con, trong đó đàn heo nái dao động khoảng 2,5 triệu con, đàn heo ngoại nuôi trang trại, công nghiệp chiếm khoảng 70%.
Để phát triển chăn nuôi heo một cách bền vững, ngành chăn nuôi chủ trương hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng; Phát triển công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn; Đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ; Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh. Phát triển các giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học và dịch bệnh; Làm chủ công nghệ sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y, chế biến…
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho heo bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong sản xuât, nhập khẩu và bảo quản. Tiếp tục công tác kiểm soát dịch bệnh, nhất là ASF, chỉ đạo triển khai áp dụng rộng rãi mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Cùng đó, xây dựng ngành hàng thịt heo theo các chuỗi liên kết; Hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi heo theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao mà doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống theo tháp giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Để ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững, ngành tài nguyên và môi trường cùng các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch quỹ đất chăn nuôi; Các ngân hàng xem xét tăng dư nợ cho ngành chăn nuôi; Sớm hoàn thiện và công bố vaccine ASF; Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ trong chăn nuôi, cụ thể là nghiên cứu lai tạo các giống mới cho hiệu quả và giá trị kinh tế cao; Cải thiện thức ăn chăn nuôi, cập nhật công nghệ chăn nuôi hiện đại và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực chăn nuôi.
Phan Thảo