Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.

Ông Phạm Văn Khánh-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An – cho biết: Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế ra mắt tháng 5-2024 với 8 thành viên, đều là người có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò và nuôi trùn quế.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế

Thành viên Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trùn quế. Ảnh: A.P

“Tham gia Tổ hội nghề nghiệp, các thành viên có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi bò, nuôi trùn quế cũng như phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình khép kín, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường” – ông Khánh nói.

Có thâm niên hơn 30 năm trong việc chăn nuôi bò, bà Lê Thị Dung (thôn Tú Thủy 2) luôn chú ý việc phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đồng thời vệ sinh chuồng trại, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Năm 2019, được hội viên nông dân chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế, bà Dung đã mua trùn quế về nuôi.

Để thuận tiện cho việc thu gom phân cũng như cung cấp thức ăn cho trùn quế mỗi ngày, bà Dung xây chuồng nuôi trùn quế cạnh chuồng nuôi bò. Chuồng nuôi trùn quế được quây tường gạch, mái lợp tôn, nền tráng xi măng.

Theo bà Dung, thời gian từ lúc nuôi đến khi thu hoạch phân trùn quế kéo dài 4 – 6 tháng, tùy theo lượng thức ăn. Phân trùn quế dùng để bón cho các loại cây trồng của gia đình, còn dư thì bán với giá 2 – 3 ngàn đồng/kg. Trùn giống (dạng sinh khối) có giá bán 30 ngàn đồng/kg. Trùn trưởng thành (trùn thịt) bán với giá 100 – 120 ngàn đồng/kg cho cơ sở chế biến dịch trùn quế, làm thức ăn nuôi tôm, lươn, cá…

“Nuôi trùn quế không mất nhiều công sức, thời gian và không đòi hỏi kỹ thuật cao. Hàng ngày, bỏ một lớp phân mỏng hoặc quan sát thấy lớp phân trên mặt khô thì bổ sung thức ăn cho trùn. Trước khi thu hoạch phân trùn nên ngưng cho ăn khoảng 3 ngày, sau đó gom lớp phân bên dưới, giữ lại lớp phân bề mặt có trùn giống để tiếp tục nhân nuôi. Cùng với thu nhập ổn định từ trồng trọt, đàn bò, gia đình có thêm nguồn thu từ nuôi trùn quế gần 50 triệu đồng/năm”-bà Dung cho hay.

Nhận thấy lợi ích của việc nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế, đầu năm 2024, ông Phạm Ngọc Hiền (thôn Cửu Đạo) tận dụng chuồng bò cũ để xây bể nuôi trùn quế.

Ông Hiền kể: Ông đang chăn nuôi 8 con bò. Trước khi áp dụng mô hình nuôi trùn quế, ông thường thu gom phân thành đống, không tránh khỏi gây mùi hôi làm ô nhiễm môi trường. Sau này, khi nuôi trùn quế, phân bò thu gom đến đâu, ông rải vào chuồng nuôi trùn quế nên đã hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Sau 5 tháng nuôi trùn quế, tôi thu được 1 tấn phân trùn bón cho rau màu và vườn chanh dây. Khi dùng phân trùn quế để bón, năng suất vườn chanh dây đạt 20 tấn/ha, cao hơn 5 tấn/ha so với bón phân hóa học; quả bóng đẹp hơn, giá bán 13 – 15 ngàn đồng/kg, cao hơn so với bón phân hóa học 2 – 4 ngàn đồng/kg. Chi phí mua phân bón chỉ còn 8 triệu đồng/ha/năm, giảm một nửa so với bón phân hóa học.

Đối với trùn thịt, tôi dùng để nấu cháo cho bò ăn, giúp bò mau lớn, lông da mịn màng, dễ bán, giá bán cao hơn. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng khu nuôi trùn quế”-ông Hiền chia sẻ.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế

Nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế giúp nhiều hội viên nông dân xã Tú An (thị xã An Khê) có thu nhập ổn định. Ảnh: An Phát

Theo ông Khánh, trùn thịt giàu các axit amin, vi lượng, khoáng chất và vi sinh vật có lợi, giúp tăng khả năng miễn dịch, kích thích tăng trưởng và giảm tỷ lệ bệnh tật cho vật nuôi. Còn trong phân trùn quế có chứa nhiều khoáng chất, giúp cây trồng phát triển, tăng sức đề kháng, ít dịch bệnh.

Phân trùn quế có thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng trong thời gian dài, đồng thời làm tơi xốp đất, không gây hiện tượng rửa trôi hay thiếu hụt chất như các loại phân bón hóa học.

“Mô hình nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định từ vật nuôi mà còn giúp các thành viên có nguồn thu nhập tăng thêm 4-6 triệu đồng/tháng” – ông Khánh thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Phúc Thiên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tú An – cho biết: Chăn nuôi là thế mạnh của bà con nông dân xã với tổng đàn gia súc hiện có gần 2.000 con. Ngoài Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế, xã đã thành lập 1 tổ hợp tác và 2 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò tại làng Hòa Bình và thôn Tú Thủy 1 với 62 thành viên nuôi gần 300 con bò.

Đây là cơ sở để xã nhân rộng mô hình cũng như tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế trong thời gian tới.

An Phát

Nguồn: Báo Gia Lai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *