Nhờ khai thác tốt điều kiện tự nhiên cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, những năm gần đây, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, mở rộng chăn nuôi. Đặc biệt là đầu tư nuôi dê thương phẩm theo hướng liên kết hợp tác xã (HTX), góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường và giá cả thịt dê luôn ổn định ở mức cao, hơn 30 hộ dân ở các xóm: Đông Sơn, Bắc Sơn, Hợp Nhất, Tân Tiến, Nà Nọi, xã Minh Tâm sớm tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ưu đãi tín dụng chính sách xã hội từ chương trình giải quyết việc làm để mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư xây mới chuồng trại, mua con giống… Vì vậy, những năm gần đây phong trào nuôi dê của xã phát triển mạnh với tổng đàn hơn 1.000 con, trong đó, hộ nhiều nhất nuôi trên 400 con/lứa.
Chị Hoàng Thị Bôi, xóm Đông Sơn cho biết: Gia đình tôi nuôi dê đã 8 năm, lúc đầu chăn nuôi theo quy mô chăn thả nhỏ lẻ từ chục con đến vài chục con/lứa. Nhận thấy dê rất dễ nuôi, lớn nhanh, ít bệnh, thị trường tiêu thụ rộng lớn và ổn định, năm 2023, gia đình tôi vay vốn ưu đãi tín dụng chính sách xã hội 100 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm để mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện, chuồng trại được đầu tư kiên cố với hơn 2.000 m2, có thể mở rộng quy mô chăn nuôi lên đến nghìn con/lứa. Từ mô hình kinh tế hộ, đầu năm 2024, gia đình phát triển chăn nuôi theo hình thức HTX, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Người dân xóm Đông Sơn, xã Minh Tâm (Nguyên Bình) chăm sóc đàn dê.
Chị Bôi cho biết thêm: Sau khi mở rộng quy mô, HTX Đông Sơn duy trì nuôi hơn 400 con/lứa theo hình thức nuôi nhốt kết hợp chăn thả. Mới đây, HTX vừa xuất bán 200 con dê thịt, trọng lượng trung bình từ 15 – 25 kg/con, thị trường tiêu thụ chính tại tỉnh Ninh Bình và một số nhà hàng trong tỉnh. Mỗi năm, HTX xuất bán từ 3 – 4 lứa dê thịt, với giá bán từ 110 – 120 nghìn đồng/kg, trừ chi phí sản xuất, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Cùng với HTX Đông Sơn, nhiều hộ dân xã Minh Tâm liên kết thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê để trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng, trị bệnh trên đàn dê, liên kết tìm hiểu giá cả, nhu cầu tiêu thụ, thị trường đầu ra… Anh Lý Văn Hoan, xóm Hợp Nhất chia sẻ: Trước kia, gia đình tôi chủ yếu nuôi dê theo hình thức chăn thả tự nhiên, dê chậm phát triển, khi bán thường bị tiểu thương ép giá… Từ khi liên kết với các hộ trong xóm thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê, gia đình thường xuyên được các thành viên trong tổ chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, gia đình tôi kết hợp chăn thả tự nhiên với nuôi nhốt 200 con dê thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao; biết tính toán việc xuất chuồng và tăng, giảm số lượng nuôi hợp lý… Tôi thấy phong trào chăn nuôi dê đang mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Thái Hà
Nguồn: Báo Cao Bằng