Brazil là thị trường cung cấp đậu tương nhiều nhất cho Việt Nam trong 10 tháng đạt 1,07 triệu tấn, tăng 20% về lượng và tăng 0,9% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,82 triệu tấn, trị giá gần 935,84 triệu USD, giá trung bình 515,2 USD/tấn, tăng 12,8% về lượng, nhưng giảm 8,2% kim ngạch và giảm 18,6% về giá so với 10 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, riêng tháng 10/2024 đạt 222.742 tấn, tương đương 109,84 triệu USD, giá trung bình 493,1 USD/tấn, tăng 50,5% về lượng và tăng 53% kim ngạch so với tháng 9/2024, giá tăng 1,7%; so với tháng 10/2023 thì tăng mạnh 60,4% về lượng, tăng 31% về kim ngạch nhưng giảm 18,3% về giá.
Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam
Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024, chiếm 59,2% trong tổng lượng và chiếm 57,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, đạt 1,07 triệu tấn, tương đương gần 535,76 triệu USD, giá 498,6 USD/tấn, tăng 20% về lượng, tăng 0,9% kim ngạch nhưng giảm 15,9% về giá so với 10 tháng đầu năm 2023.
Thị trường lớn thứ 2 là Mỹ, trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 568.705 tấn, tương đương 301,57 triệu USD, giá 530,3 USD/tấn, chiếm 31,3% trong tổng lượng và chiếm 32,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, tăng 3% về lượng, nhưng giảm 19,8% về kim ngạch và giá giảm 22,1% so với 10 tháng đầu năm 2023.
Tiếp đến thị trường Canada trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 109.005 tấn, tương đương 64,42 triệu USD, giá 591 USD/tấn, chiếm 6% trong tổng lượng và chiếm 6,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, tăng 20,4% về lượng, nhưng giảm 3,8% về kim ngạch và giá giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Việt Nam, đậu tương được trồng ở 26 tỉnh, thành trên cả nước; trong đó khoảng 87,8% ở miền Bắc và 12,2% ở miền Nam. Diện tích đậu tương ở miền Bắc chiếm khoảng 58,8% được trồng ở vùng cao, những nơi đất không màu mỡ, 41,2% được trồng ở những vùng đất thấp ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Đậu tương sản xuất trong nước dùng để chế biến nhiều loại thực phẩm như tàu hũ, sữa đậu nành, sữa bột đậu nành, một ít dùng để sản xuất nước tương, tương, chao.
Do sản lượng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến, nên hàng năm nước ta nhập khẩu lượng đậu tương rất lớn. Trong khi đậu tương sản xuất trong nước là các giống truyền thống, phần lớn đậu tương nhập khẩu và giống biến đổi gen.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, ngô và đậu tương đều là những loại cây trồng quen thuộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, diện tích 2 loại cây trồng này còn nhỏ, năng suất cũng thua xa so với các quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương. Nhờ giá đậu tương giảm cùng với giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi được hưởng lợi kép từ đầu năm đến nay.
Ngọc Ngân