Bình Phước: Dịch chồng dịch – người chăn nuôi gặp khó – Bài cuối

Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, để sớm dập dịch, nhất là bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò rất cần sự phối hợp của người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi hiện nay, nhiều hộ dân không hợp tác vì chưa hiểu rõ sự nguy hiểm, mức độ lây lan của vi rút gây bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, dẫn tới không tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

QUYẾT LIỆT CHỐNG DỊCH ĐỂ PHÁT TRIỂN

Chủ động khống chế nguồn lây

Theo đánh giá của ngành chức năng, gần đây bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện rải rác tại một số địa phương trong tỉnh, nguyên nhân là do vi rút gây bệnh vẫn tồn tại trong môi trường tự nhiên. Lo ngại hơn, cơ chế lây lan của bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò chủ yếu lây qua con vật trung gian như muỗi, ve, bọ. Trong khi đó, phần lớn các hộ dân lại không làm tốt công tác chăn nuôi an toàn, nhiều hộ có thói quen nuôi thả rông. Điều này càng khiến dịch bệnh lây lan, phát tán, khó kiểm soát.

tiêu hủy gia súc

Việc tiêu hủy gia súc bị bệnh được thực hiện nghiêm ngặt. Trong ảnh: Nhân viên thú y thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng thực hiện các quy trình tiêu hủy bò bị chết do bệnh viêm da nổi cục

Anh Vũ Văn Điệp, nhân viên thú y thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng cho biết: “Ngoài việc người dân phải chủ động vệ sinh chuồng trại, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất lúc này chính là tiêm vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò. Tuy nhiên, một số hộ dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tâm lý chủ quan. Đến nay, còn khoảng 50% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn không chịu hợp tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò dù là miễn phí. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chính người chăn nuôi, mà xa hơn còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng”.

Xuất phát từ cơ chế lây lan của dịch bệnh, ngành chức năng khuyến cáo: Để phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi cần tự giám sát và chủ động khai báo khi phát hiện trâu, bò có biểu hiện nhiễm bệnh, không tự ý chữa trị. Khi phát hiện trâu, bò bị bệnh, cần thường xuyên kiểm tra và tuyệt đối không nuôi chăn thả. Cùng với đó cần thường xuyên khử khuẩn chuồng trại cũng như tuân thủ nghiêm việc khử khuẩn khi ra, vào khu vực chăn nuôi.

Đối với công tác phòng bệnh, tiêm vắc xin vẫn là giải pháp hiệu quả nhất. Cùng với đó, do véc tơ truyền bệnh là các loại ruồi, muỗi, ve, mòng nên để chặn véc tơ truyền bệnh này, người dân cần dùng thuốc diệt côn trùng để tiêu diệt. Ngoài ra, người dân có thể dùng các biện pháp thủ công như xông khói bằng các loại lá cây có tinh dầu nhằm xua đuổi các con vật truyền bệnh trung gian. Đây cũng là cách nhằm hạn chế sự phát tán, lây lan dịch bệnh cho cả đàn.

Kỹ sư chăn nuôi LÂM HỮU LUYỆN, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

Đối với dịch tả heo châu Phi và bệnh lở mồm long móng, hầu hết các ổ dịch được xử lý kịp thời theo quy định, hạn chế lây lan trên diện rộng. Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã qua 21 ngày không ghi nhận các ổ dịch mới.

 

Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng bệnh

Trước diễn biến của nhiều dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành 33 văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin dịch bệnh từ cơ sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và chính quyền địa phương xác minh, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán dịch bệnh, đồng thời hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch. Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đôn đốc công tác phòng chống dịch; ban hành văn bản hướng dẫn xử lý các ổ dịch phát sinh.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 43.500 liều vắc xin phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; trên 32 ngàn liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu, bò; hơn 26 ngàn liều vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi… Đơn vị cũng hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai cho người dân vệ sinh, tiêu độc khử khuẩn môi trường chăn nuôi, đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn gia súc. Qua đó sớm khống chế các ổ dịch, xây dựng vùng, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tại huyện Bù Đốp – tâm dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò của tỉnh, đến nay huyện đã triển khai tiêm phòng “bao vây” ổ dịch, ước thực hiện 6.600 liều/7.505 con trâu, bò, đạt 87,9% tổng đàn trâu, bò toàn huyện. Bù Đốp cũng đã cấp hóa chất đặc trị ruồi, muỗi, ve, mòng cho các địa phương và cử nhân viên thú y các xã, thị trấn đến phun khử khuẩn, cấp cho các hộ có trâu, bò bị bệnh.

Huyện Bù Đăng cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng dịch, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò. Ông Lê Văn Hà, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng cho biết: “Đến nay, huyện đã tiêm vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò đạt 100% kế hoạch (khoảng 80% tổng đàn trâu, bò của huyện). Chúng tôi đã đăng ký với Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân bổ thêm 200 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục để tiến hành tiêm bổ sung cho số trâu, bò trước đây chưa đến tuổi tiêm”.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung kiểm soát dịch, đặc biệt là việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Đồng thời tăng cường kiểm soát 31 cơ sở giết mổ gia súc đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát mầm bệnh và các nguy cơ lây nhiễm. Ngành cũng chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh chẩn đoán, xét nghiệm, kiểm dịch và điều trị bệnh cho đàn gia súc; triển khai xây dựng cơ sở, vùng, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh…

Xuân Túc

Nguồn: Báo Bình Phước
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *