Biện pháp phòng và trị bệnh đầu đen ở gà

Hỏi: Xin tư vấn biện pháp phòng và trị bệnh đầu đen ở gà?

(Câu hỏi của Bùi Văn Hùng, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang)

Trả lời:

Gà mắc bệnh đầu đen do một loài nguyên sinh động vật có tên khoa học là Histomonas meleagridis gây ra. Bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gà thả vườn bởi tỷ lệ chết lên tới 80% số gà nuôi. Các biến đổi đặc trưng tập trung song hành ở gan và ruột. Hiện, trên thị trường, có nhiều sản phẩm trị bệnh. Người nuôi có thể tiêm cho gà với thuốc chứa Doxycyclin; hoặc trộn vào thức ăn, nước uống cho gà bằng các thuốc có thành phần là Sulfamonomethoxine hoặc Doxycyclin (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất). Kết hợp bổ sung thuốc bổ gan, vitamin, men tiêu hóa, thuốc trợ sức, trợ lực cho gà. Bên cạnh đó, cần tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cải thiện môi trường chăn nuôi, vệ sinh, phun khử trùng chuồng nuôi và môi trường xung quanh.

Để phòng bệnh, trong quá trình nuôi, cần định kỳ tẩy giun, sán. Bắt đầu từ 20 ngày tuổi trở đi, cứ 20 ngày 1 lần nên pha thuốc tím (KMnO4) hoặc sunphat đồng (CuSO4) cho gà uống. Cách làm như sau: Mỗi lần dùng 1 g KMnO4 hoặc 2 g CuSO4 pha với 10 lít nước trong 1 – 2 giờ, nếu thừa thì đổ đi, không dùng lại cho lần sau. Cứ 7 – 10 ngày thì cho uống 1 lần như trên. Không nên nuôi chung gà với gà tây, không nuôi gà nhiều lứa tuổi trong cùng một khu vực. Đảm bảo thời gian trống chuồng sau mỗi lứa gà. Định kỳ vệ sinh, phun khử trùng chuồng nuôi, sân chơi, vườn thả gà, rắc vôi bột ở khu vực nuôi để diệt mầm bệnh. Hạn chế thả gà ra vườn khi trời mới mưa. Đối với những chuồng nuôi, bãi chăn thả gà mắc bệnh đầu đen, cần để trống chuồng ít nhất 30 ngày, trước khi trống chuồng, cần vệ sinh chuồng nuôi và bãi chăn thả sạch sẽ, thu gom chất thải ủ sinh học hoặc đốt. Trong thời gian trống chuồng, định kỳ 1 lần/tuần phun khử trùng chuồng nuôi, bãi chăn thả và môi trường xung quanh; cuốc đất rắc vôi, diệt giun đất.

Ban KHKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *