Biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ và độ ẩm biến động mạnh làm gia súc, gia cầm không kịp thích nghi, dễ mắc bệnh hô hấp. Do đó, chủ hộ chăn nuôi cần đặc biệt chú ý tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

Đối với những vật nuôi không phải điều trị bệnh bằng vaccine thì cần bổ sung các thuốc tăng đề kháng để đảm bảo vật nuôi có sức khỏe ổn định và có khả năng miễn dịch tốt.

Hàng ngày, vệ sinh chuồng và dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải về đúng nơi quy định và có biện pháp xử lý khoa học, không gây ô nhiễm ảnh hướng tới môi trường.

Đối với gia súc non chưa có khả năng tự điều tiết thân nhiệt cần phải có chuồng úm hoặc quây úm, bên trên treo bóng đèn có công suất khác nhau để cung cấp nhiệt cho phù hợp. Ngoài ra, chiều cao treo bóng đèn cần được điều chỉnh theo ngày tuổi của vật nuôi để tránh làm hư hỏng bóng đèn.

Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng để đảm bảo nhiệt độ giữ ấm cho gia cầm.

Chủ hộ chăn nuôi phải thường xuyên phát quang xung quanh chuồng trại, khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt bởi đây là nơi phát sinh mầm bệnh gây hại cho vật nuôi. Lưu ý định kỳ phun thuốc sát trùng trong chuồng và khu vực xung quanh chuồng ít nhất là 1 lần/tuần bằng dung dịch Han-Iodin 10% hoặc Bencocid. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình trạng sức khỏe của vật nuôi, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường như: sốt cao, ăn ít, bỏ ăn, sảy thai hoặc chết… Cần nhanh chóng nhốt riêng sang khu vực cách ly và báo ngay cho cán bộ thú y để có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Nếu có gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột theo hướng dẫn của cơ quan thú y và tuyệt đối không được giết mổ, bán, vứt xác chết bừa bãi để tránh lây lan mầm bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *