Biện pháp phòng bệnh chăn nuôi dê

(Người Chăn Nuôi) – Trong công tác phòng bệnh, người nuôi cần chú ý đến vệ sinh chuồng trại, nước uống và thức ăn đảm bảo chất lượng; đặc biệt, cần tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo khuyến cáo của cán bộ thú y.

Giống

Cũng giống như các loại gia súc khác, để lựa chọn các cá thể dê làm giống phải chọn qua đời trước (ông bà, bố mẹ). Kiểm tra cá thể con giống về các đặc điểm như ngoại hình, khả năng sản xuất, khả năng thích ứng với điều kiện chăn nuôi và chọn lọc qua đời sau của chúng. Đồng thời, phải chọn lựa dê làm giống ở những cơ sở chăn nuôi dê có uy tín, đảm bảo chất lượng.

Chuồng trại

Chuồng nuôi dê có thể làm đơn giản và rẻ tiền bằng các loại vật liệu sẵn có ở địa phương, nhưng phải đáp ứng được đặc tính của dê là thích sống nơi cao ráo, thoáng mát, không ẩm thấp.

Nên chọn hướng Đông hay Đông Nam để lấy được ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm và tránh được mưa rào, gió bấc. Chuồng trại không nên làm quá gần nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường sống cho con người, nhưng cũng không nên làm quá xa nhà ở vì sẽ khó quản lý và chăm sóc dê.

Ngoài ra, chọn những nơi có trồng cây tạo bóng mát để xây dựng chuồng trại, không gian rộng rãi, thoáng mát thuận tiện cho việc cung cấp thức ăn, nước uống, dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt là tuyệt đối không xả chất thải ra môi trường xung quanh.

Xây dựng chuồng nuôi dê theo định mức sau: Dê con theo mẹ 0,2 m2/con; dê cai sữa 0,3 m2/con; dê cái tơ và dê nuôi thịt vỗ béo 0,6 m2/ con; dê cái sinh sản 0,8 m2/con và dê đực giống 1,5 – 2 m2/con.

Chuồng dê nên làm theo kiểu chuồng sàn bằng gỗ hoặc tre chắc chắn, sàn chuồng cách mặt đất khoảng 30 – 40 cm. Mặt đất dưới sàn chuồng có độ dốc khoảng 30 – 450, phẳng và láng nhẵn để dễ thoát nước tiểu và phân, dễ dọn chuồng. Cần đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè mát, tránh gió lùa.

Sân chơi là phần nền đất, tiếp giáp với chuồng, có hàng rào bảo vệ. Sân chơi cần có diện tích rộng ít nhất gấp 3 lần diện tích chuồng nuôi. Ở sân chơi phải có bóng mát, không có vũng nước đọng, có máng ăn và máng đựng nước sạch cho dê uống hàng ngày.

Cần có hàng rào bảo vệ xung quanh chuồng trại, có hố sát trùng ở cổng ra vào và ở đầu chuồng nuôi. Có hố ủ phân riêng hoặc hầm biogas.

Cần xây dựng bản nội quy phòng trừ dịch bệnh cho dê hàng quý, hàng năm. Hạn chế người không có trách nhiệm ra vào chuồng dê.

phòng bệnh chăn nuôi dê

Thức ăn cho dê phải đảm bảo sạch, không có hóa chất. Ảnh: feedsafenz

Chăm sóc, vệ sinh

Dê mới mua về cần được cách ly từ 30 – 40 ngày trước khi nhốt chuồng.

Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc, khử trùng thường xuyên.

Thực hiện vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, cũi lồng. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/tuần; Chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi chưa có dịch và 2 lần/tuần khi có dịch bệnh. Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng.

 Hàng ngày phải kiểm tra số lượng đàn và tình trạng sức khỏe của từng con. Cắt móng chân thường xuyên, kiểm tra dê có bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh như: ve, bét, giun sán, ghẻ… Định kỳ 2 lần/ năm tẩy phòng các bệnh giun sán (trước và sau mùa mưa), tốt nhất là thực hiện tẩy 1 lần/quý.

Đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm các chất độc hại (thuốc bảo vệ thực vật, độc tố nấm, muối nitrat và nitrit), đồng thời không bị nhiễm các vi sinh vật có hại (vi khuẩn Salmonella), hoặc có số lượng dưới mức cho phép (vi khuẩn E. Coli). Khi có lũ lụt thì cần xử lý nước bằng Cloramin B để diệt vi sinh vật gây bệnh.

Thức ăn cho dê cũng phải đảm bảo sạch, không có hóa chất độc, không có chứa các loại hormone kích thích sinh trưởng, không có độc tố nấm mốc theo quy định. Cung cấp đá liếm cho tất cả các loại để bổ sung khoáng đa – vi lượng, muối phòng các bệnh do thiếu khoáng.

Kiểm soát nghiêm ngặt lối ra vào khu nuôi, đảm bảo thức ăn và con giống từ cơ sở được xác nhận. Duy trì môi trường nuôi vệ sinh và an toàn để hạn chế khả năng bệnh có thể xâm nhập vào khu nuôi. 

Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc công tác kiểm dịch khi vận chuyển, xuất và nhập dê dưới sự giám sát của cơ quan thú y có thẩm quyền để khống chế sự lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào cơ sở chăn nuôi dê và ngược lại.

Phòng bệnh bằng vaccine

Vaccine là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Tiêm phòng vaccine cho dê được coi là một trong các biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Vì vậy, người nuôi cần tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho dê theo hướng dẫn của cơ quan thú y, như:

Phòng bệnh đậu: Vaccine dùng để tiêm phòng cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Liều lượng sử dụng: 1 ml/ con, tiêm 2 lần/năm. Sát trùng bơm, kim tiêm thật kỹ trước khi tiêm; Lắc đều lọ vaccine trước khi sử dụng; Không tiêm vaccine trong vòng 21 ngày trước khi giết mổ dê.

Phòng bệnh tụ huyết trùng: Vaccine tụ huyết trùng dê là vaccine vô hoạt, dạng lỏng, màu vàng nhạt. Liều tiêm: 2 ml/con cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt. Tiêm định kỳ 2 lần/năm. Lắc kỹ lọ vaccine trước khi sử dụng và chỉ sử dụng trong ngày.

Phòng bệnh lở mồm long móng: Sử dụng vaccine vô hoạt dạng nhũ dầu. Tiêm với liều 1 ml/con, tiêm sâu vào bắp thịt. Chủng mũi đầu tiên lúc 4 tháng tuổi; Chủng tăng cường: 9 tháng sau mũi đầu tiên; Tái chủng: Cứ 12 tháng chủng lại. Sau 2 tuần có miễn dịch, tiêm nhắc lại tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của địa phương.

Phòng bệnh viêm ruột hoại tử: Tiêm giải độc tố phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho dê. Liều tiêm: 2 ml/con, tiêm dưới da cổ, mỗi năm tiêm 2 lần vào tháng 3 và tháng 9. Sau 2 tuần có miễn dịch.

Thanh Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *