Bảo tồn và phát triển vịt Kỳ Lừa

(Người Chăn Nuôi) – Kỳ Lừa là loại vịt đặc sản, khối lượng trên 1,9 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ cao, tỷ lệ mỡ bụng thấp, da mỏng, thịt thơm ngon, đậm và giá trị kinh tế cao và cần được lưu giữ phát triển khi nguồn giống ngày một mai một.

Nguồn gốc

Vịt Kỳ Lừa được nuôi chủ yếu ở Lạng Sơn, được người dân chăn thả ở các con suối, ruộng trũng nằm trong những chân đồi núi của tỉnh Lạng Sơn. Vịt đã được người dân ở đây thuần hóa từ rất lâu, khả năng tự kiếm mồi tốt, có sức đề kháng cao với bệnh tật và thường được sử dụng làm món vịt quay nổi tiếng (vịt quay Lạng Sơn).

Vịt Kỳ Lừa có thịt thơm ngon, được thị trường tiêu thụ ưa chuộng. Ảnh: CTV

 

Đặc điểm ngoại hình

+ Vịt trống: Toàn thân chắc chắn, hình chữ nhật, đầu to, thô, cổ dài cân đối, ngực rộng, bụng sâu, mỏ xám đen hoặc xanh nhạt, lông đầu và cổ xanh biếc, lông cánh thứ 19 xanh óng ả, chân màu xám hoặc vàng. Khả năng kiếm mồi tự nhiên rất tốt, tốc độ rượt đuổi cao. Cổ vươn thẳng, thân lúc lắc hai bên.

+ Vịt mái: Dáng cân đối, đầu thanh tú, mắt tinh nhanh, thân mình thuôn dài, bụng hơi sệ, lông toàn thân thường đồng nhất màu xám đen, mỏ xám đen hoặc xám nhạt, chân xám hoặc vàng. Phàm ăn, chịu khó kiếm ăn tạp.

 

Khả năng sản xuất

Tháng 8/2002, Trạm Nghiên cứu và Thử nghiệm thức ăn gia súc, Viện Chăn nuôi (nay là Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi) đã tiến hành nghiên cứu chọn lọc nhân thuần và bảo tồn giống vịt Kỳ Lừa. Các kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy: Tỷ lệ nuôi sống của vịt Kỳ Lừa đến 4 tuần tuổi đạt 82% vì đàn vịt bị nhiễm nấm phổi và một số vịt có triệu trứng của bệnh E.coli; Tỷ lệ nuôi sống giai đoạn sơ sinh đến 10 tuần tuổi đạt 80,3%. Khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi con trống đạt 1,371,9 g và con mái đạt 1,329,7 g. Đến 10 tuần tuổi vịt trống đạt 1.509,7 g/con, vịt mái đạt 1.440,5 g/con. Vịt có tuổi đẻ quả trứng đầu 154 – 161 ngày tuổi, tuổi đẻ đạt 5% từ 161 – 168 ngày tuổi, tuổi đẻ đạt tỷ lệ đẻ 30% là 182 ngày.

 

Cần được nhân rộng

Theo nghiên cứu, các giống vịt bản địa ở nước ta khá phong phú, gồm vịt hướng trứng như vịt Cỏ, vịt Mốc và vịt kiêm dụng như vịt Bầu Bến, Bầu Qùy, Kỳ Lừa, vịt Đốm. Nhờ có chương trình bảo tồn nguồn gen vật nuôi quốc gia, giống vịt Kỳ Lừa đã được nuôi bảo tồn nguyên vị tại Kỳ Lừa (Lạng Sơn) và nuôi chuyển vị tại Viện Chăn nuôi.

Hiện nay, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm vật nuôi bản địa chất lượng cao ngày càng tăng, chính vì vậy cần phải gắn công tác bảo tồn với việc khai thác và phát triển nguồn gen vịt Kỳ Lừa một cách hiệu quả, tạo thêm sản phẩm cho tiêu dùng. Ngoài việc chọn lọc, nhân thuần mở rộng quần thể giống vịt Kỳ Lừa thì việc xây dựng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh cho giống vịt này trong đó có việc xác định mức ăn thích hợp cho vịt Kỳ Lừa sinh sản là rất cần thiết.

Từ năm 2012 – 2015, Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên đã thực hiện “Khai thác, phát triển nguồn gen vịt đặc sản: Kỳ Lừa, Bầu Bến, Đốm và Mốc”. Kết quả: Từ đàn hạt nhân các giống vịt sản xuất ra 100.000 con giống 1 ngày tuổi cung cấp cho sản xuất. Từ nguồn con giống đó sản xuất ra 120 tấn thịt, 2.400.000 quả trứng.

Ngày 19/3/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đặt hàng nhiệm vụ sản xuất thử nghiệm thuộc chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững quỹ gen đến 2025 và định hướng đến năm 2030 với Bộ Khoa học và Công nghệ Dự án: “Hoàn thiện quy trình chăn nuôi vịt đặc sản (Kỳ Lừa, Bầu Bến) tại một số tỉnh phía Bắc”. Mục tiêu là ổn định đàn hạt nhân cho 2 giống vịt này, quy mô 500 con mái sinh sản; trong đó vịt Kỳ Lừa là 250 con; Hoàn thiện quy trình thú y phòng trị bệnh cho 2 giống vịt sinh sản và thương phẩm. Xây dựng mô hình đàn vịt Kỳ Lừa, Bầu Bến sinh sản (bố mẹ), quy mô 600 con; mô hình sản xuất thử nghiệm chăn nuôi vịt đặc sản gắn với du lịch sinh thái tại các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên; tạo ra và tiêu thụ trứng giống và thương phẩm với sản lượng 70.000 quả trứng và trên 38 tấn vịt thương phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *