(Người Chăn Nuôi) – Đầm Hà là huyện miền núi ven biển nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây có nhiều đặc sản như: Củ cải phên Đầm Hà, trứng vịt biển, ngan sao…, trong đó có giống gà bản Đầm Hà nổi tiếng thịt thơm ngon, thân tròn, cổ ngắn, lông sặc sỡ, gà mái còn vừa có râu, vừa có mũ.
Đặc điểm
Gà bản Đầm Hà, là giống gà thuần bản địa của gà Tiên Yên, mang những đặc điểm nhận dạng đặc trưng nhất không lẫn với bất cứ loại gà nào đó là Râu – Mũ – Hoa mơ. Gà bản Đầm Hà có bộ lông sặc sỡ, thân tròn gọn, cổ ngắn, chân thấp, đỉnh đầu có một chòm lông như chú chim chào mào, dưới cằm lại có túm râu rất điệu và khác biệt.
Đầu tháng 6/2019, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho sản phẩm gà bản Đầm Hà và Hợp tác xã Tuyền Hiền là đơn vị được chọn, sản xuất thành công giống gà bản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, cung cấp cho các hộ chăn nuôi toàn huyện. Được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, gà thương phẩm Đầm Hà đã vượt ra ngoài địa bàn huyện và được tiêu thụ chủ yếu tại TP. Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Hà Nội… Hiện nay, trên địa bàn huyện Đầm Hà đã có hơn trăm hộ làm mô hình nuôi giống gà này với quy mô 500 – 2.000 con/hộ. Số gà thương phẩm được Hợp tác xã Tuyền Hiền bao tiêu toàn bộ và hàng năm đều tiêu thụ hết.
Gà bản Đầm Hà nổi tiếng thịt thơm ngon, thân tròn, cổ ngắn, lông sặc sỡ. Ảnh: Nguyễn Thành.
Nhân giống gà quý
Anh Nguyễn Văn Tuyền, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tuyền Hiền cho biết, nhận thấy giống gà bản Đầm Hà được bà con ở các làng, bản nuôi giữ giống từ nhiều đời, là sản vật nổi tiếng của địa phương và khu vực miền Đông, vì vậy anh mong muốn phát triển thành sản phẩm đặc trưng. Ban đầu, anh đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng trang trại phát triển sản xuất gà giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Để có được gà giống bố, mẹ, anh Tuyền lặn lội lên tận Quảng Lâm, Quảng An là các xã vùng cao của huyện, rồi vào các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số thu gom. Anh Tuyền đứng ra vận động thêm một số hộ cùng chí hướng để thành lập ra Hợp tác xã Tuyền Hiền, chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương, tạo thương hiệu gà bản Đầm Hà.
Anh Tuyền chia sẻ, lúc đầu, khi làm thụ tinh nhân tạo cho gà bản Đầm Hà, do còn ít kinh nghiệm nên tỷ lệ trứng ấp thành gà con chỉ đạt 50 – 60%, dẫn đến việc nhân giống, chọn giống gặp nhiều khó khăn. Phải mất khoảng 4 năm, anh mới có thể làm chủ được việc thụ tinh nhân tạo, nhân giống, từ đó cung cấp giống gà bản Đầm Hà cho bà con chăn nuôi. Đến nay, tỷ lệ thành công khi thụ tinh nhân tạo gà bản Đầm Hà đạt trên 90%. Khi gà bản Đầm Hà được công nhận thương hiệu tập thể, số người đăng ký mua gà giống rất đông, đến nay đã có khoảng 200 hộ nuôi 1.000 – 3.000 con/hộ. Hiện Hợp tác xã đang sản xuất 3 loại gà giống là gà hoa mơ, gà râu và gà mũ. Đây đều là các giống gà đặc sản.
Theo anh Tuyền, trước đây, với việc phối giống tự nhiên, mỗi con gà trống chỉ có thể phối giống với 8 – 10 con gà mái, thì nay với phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chuồng lạnh, 1 con gà trống sẽ thụ tinh cho 60 – 80 con gà mái. Điều này giúp giảm được chi phí nuôi gà trống, phí bảo tồn và nâng cao hiệu quả, tỷ lệ phôi cao hơn.
Hiện, mô hình ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh và liên kết theo chuỗi trong nuôi gà bản Đầm Hà của Hợp tác xã Tuyền Hiền có diện tích trên 1.000 m2, quy mô 3.000 con gà sinh sản, liên kết sản xuất theo chuỗi với 80 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đầm Hà và các vùng lân cận. Mỗi năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 160.000 con giống, 120 tấn gà thương phẩm, đạt doanh thu 12,3 tỷ đồng, lợi nhuận 1 – 1,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên và 7 lao động thời vụ.
Gà bản Đầm Hà được gọi là gà đồi vì thường được nuôi thả rông, hằng ngày chúng hay lang thang trên các triền đồi kiếm ăn. Gà bán Đầm Hà được lòng nhiều thực khách bởi thịt vừa ngọt, vừa béo, săn chắc lại không dai.
Vân Anh