Nhận thấy những lợi ích thiết thực từ hầm khí biogas trong chăn nuôi, gia đình bà Trần Thị Tuyết, thôn Trại Mới, xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ sang quy mô trang trại.
Chăn nuôi lợn hơn 20 năm nay, trước đây, gia đình bà Tuyết chỉ nuôi khoảng 10 – 20 con lợn/lứa. Hằng ngày, bà thường tất bật từ việc nấu cám, vệ sinh chuồng trại … Cách đây 8 năm, khi phong trào xây hầm khí biogas phát triển, vợ chồng bà thuê thợ lắp đặt 2 hầm khí biogas composite với thể tích 9m3/ bình. Từ đó, gia đình đã có gas đun nấu, tiết kiệm chi phí sinh hoạt, tốn ít công lao động khi dọn dẹp chuồng. Sau đó, ông bà quyết định tăng số lợn nuôi lên đến 100 con/lứa.
Đầu năm 2015, nhận thấy việc chăn nuôi thuận lợi hơn từ hiệu quả của hầm khí biogas, gia đình bà Tuyết xây dựng thêm khu trang trại mới trên đất vườn, nuôi khoảng 250 – 300 con lợn lai kinh tế, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Khi được giới thiệu, tuyên truyền về dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), vợ chồng bà lại đầu tư xây dựng thêm hai hầm khí biogas theo kiểu KT1, thể tích 50m3/hầm. Tham gia vào dự án, gia đình bà được hỗ trợ 3 triệu đồng/hầm, đồng thời thường xuyên được kỹ thuật viên của dự án theo dõi, hướng dẫn sử dụng hầm.
Bà Tuyết chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui khi lựa chọn đúng hướng đi để phát triển kinh tế. Hiệu quả từ hầm khí biogas mang lại rất rõ nét, giúp tiết kiệm được công lao động, chi phí sinh hoạt của gia đình. Đặc biệt, tôi còn có cơ hội giúp đỡ nhiều người khác”.
Hiện nay, 4 hầm khí biogas của gia đình bà Tuyết mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Được biết, gần 2 năm nay, từ 4 hầm khí biogas, 10 hộ dân xung quanh còn được dùng gas miễn phí trong sinh hoạt hàng ngày.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Tú ở cùng thôn, là một trong những hộ đang được hưởng lợi từ hầm khí biogas của gia đình bà Tuyết. Nhà anh có 6 người, cả người già và trẻ nhỏ nên tốn nhiều gas trong sinh hoạt. Tháng 5-2015, gia đình anh mua dây dẫn khí để lắp đặt từ nhà bà Tuyết sang nhà mình. Mặc dù đường dây dẫn dài, nhưng chất lượng gas dùng ổn định, lửa to và đều. Anh Tú cho biết, từ khi được dùng gas miễn phí, hàng ngày việc nấu ăn và đun nước sinh hoạt thoải mái hơn nhiều so với trước đây.
Anh Tú vui mừng chia sẻ: “Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ gia đình mình lại có nguồn chất đốt miễn phí mà chất lượng lại tốt như thế này. Từ ngày được dùng gas từ hầm khí biogas của gia đình bà Tuyết, mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm được hơn 200 nghìn đồng, có thêm một khoản tiền lo cho con cái ăn học”.
Cùng chung niềm vui với gia đình anh Tú, nhiều hộ dân đang được sử dụng gas miễn phí của gia đình bà Tuyết đánh giá rất cao về chất lượng gas và đặc biệt là chi phí mua chất đốt trong sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm hàng triệu đồng/năm.
Nhiều người dân nhận xét, mặc dù gia đình bà Tuyết nuôi lợn số lượng lớn nhưng môi trường quanh khu dân cư không bị ô nhiễm.
Từ hiệu quả thiết thực trên, có thể thấy ngày nay việc chăn nuôi của người dân hầu hết đã gắn với hầm khí biogas. Đây thực sự là một giải pháp hiệu quả trong chăn nuôi trên địa huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.