Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 31/3 (đợt 1). Đến nay, ngành chức năng và các địa phương tại Bắc Giang đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp làm sạch môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Đồng loạt vệ sinh môi trường
Việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc đóng vai trò quan trọng giúp đàn vật nuôi tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đến nay, nhiều địa phương đã ra quân vệ sinh cơ giới (quét dọn, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm) ở cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, bãi rác và chợ dân sinh, sau đó dùng hóa chất, vôi bột khử trùng tiêu độc. Ngoài 1 nghìn lít hóa chất tỉnh hỗ trợ, các huyện, thị xã, TP và các xã, phường, thị trấn, hộ chăn nuôi chủ động mua thêm lượng lớn hóa chất, vôi bột để phòng, chống dịch bệnh.
Hộ dân nuôi gà tại xã Quang Minh (Hiệp Hòa) khử trùng chuồng trại.
Từ đầu năm đến nay, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại một số tỉnh khiến hàng nghìn con gia cầm bị tiêu hủy. Nhận định thời gian tới, nguy cơ dịch tiếp tục lây lan và có khả năng xâm nhiễm vào địa bàn Bắc Giang rất cao nên ngoài 100 lít hóa chất tỉnh cấp, huyện Yên Thế đã chuẩn bị thêm 1 nghìn lít; mỗi xã, thị trấn bố trí 2 tấn vôi bột và đến nay toàn huyện đã hoàn thành phun khử trùng tiêu độc môi trường. Huyện phấn đấu tiêm phòng vắc – xin cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đạt từ 90% trở lên; các loài khác (chim cút, vịt, ngan, ngỗng…) đạt trên 80%.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trong tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường, trên địa bàn diễn ra Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn: Phồn Xương, Đồng Lạc, Đồng Tâm, Tam Hiệp, Tân Hiệp (nơi diễn ra lễ hội và khu vực xung quanh) hoàn thành vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường trước khi lễ hội diễn ra. Cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, thu gom chất thải, khơi thông cống rãnh và phun thuốc, rắc vôi bột sát trùng toàn bộ chuồng trại.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, tổ dân phố Bà Ba, thị trấn Phồn Xương cho biết: “Ngay sau khi được cấp 3 lít hóa chất và 50 kg vôi bột, tôi đã sử dụng để vệ sinh toàn bộ khu chuồng nuôi gà và sân vườn. Chính quyền thị trấn tích cực tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để người dân hiểu rõ về bệnh cúm gia cầm nói chung, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống. Nhờ thực hiện tốt việc phòng dịch nên đàn gà của gia đình tôi thời gian qua không bị nhiễm bệnh”.
Tại huyện Tân Yên, cơ quan chuyên môn đã cấp 784 lít hóa chất từ nguồn dự phòng của huyện và 100 lít tỉnh hỗ trợ, đến nay 50% số xã, thị trấn đã khử trùng tiêu độc xong khu vực công cộng và chợ buôn bán động vật. Địa phương cũng huy động lực lượng tại chỗ ứng phó nhanh khi có dịch bệnh xảy ra.
Đối với TP Bắc Giang, tùy thuộc vào diễn biến thời tiết, vào những ngày cuối tuần, các phường, xã ra quân tổng vệ sinh môi trường khu vực công cộng gắn với ngày “Chủ nhật xanh” theo nguyên tắc: Vệ sinh cơ giới trước, tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất hoặc vôi bột sau. Đồng thời vận động các gia đình đồng loạt tổng vệ sinh môi trường nơi ở, nơi chăn nuôi, khu vực công cộng vào Chủ nhật (24/3).
Vệ sinh môi trường thường xuyên và định kỳ
Hiện toàn tỉnh có tổng đàn lợn khoảng 900 nghìn con, gia cầm 20,5 triệu con, đàn trâu, bò 129 nghìn con. Theo ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), thời điểm giao mùa, độ ẩm không khí cao là điều kiện cho mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. Cùng đó, nhiều vật nuôi đã hết thời gian miễn dịch sau tiêm phòng hoặc chưa được tiêm phòng nên nguy cơ phát tán, xâm nhiễm mầm bệnh cao, đặc biệt là cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, bệnh dại ở chó, mèo…
|
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc thực hiện tốt tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc là giải pháp bước đầu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi và sức khỏe của cả cộng đồng. Do đó, công tác vệ sinh thú y cần được tăng cường và thực hiện thường xuyên, định kỳ, gắn liền với hoạt động sản xuất của người chăn nuôi.
Các biện pháp phải bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi, thực hiện đồng thời ở các hộ chăn nuôi và các địa phương. Đặc biệt, đối với những hộ có vật nuôi bị nhiễm bệnh trước đó cần cải tạo chuồng trại, thu gom chất thải, xử lý triệt để bằng cách đốt, chôn, sử dụng hóa chất, vôi bột để khử trùng tiêu độc.
Cũng theo ông Dư, qua theo dõi cho thấy, công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường được các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm, một số đơn vị thực hiện sớm, tích cực như: Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, TP Bắc Giang, Yên Dũng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số địa phương chậm triển khai theo kế hoạch, chưa tiếp nhận nguồn hóa chất hỗ trợ từ tỉnh.
Trước tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp tại các địa phương trong nước, để bảo vệ đàn vật nuôi, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan liên quan và các huyện, thị xã, TP khẩn trương triển khai biện pháp ngăn chặn gia cầm, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vận chuyển, buôn bán trái phép, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương quan tâm định hướng, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch bệnh như: Tiêm phòng vắc -xin đầy đủ, tuyệt đối không bán chạy vật nuôi mắc bệnh, không vứt xác động vật ra môi trường. Qua đó góp phần tạo tiền đề phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Nguồn: Báo Bắc Giang