(Người Chăn Nuôi) – Việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng, nhất là khi các dòng thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0% khiến áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước là vô cùng lớn.
Theo Cục Chăn nuôi, 11 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ước trên 3,1 tỷ USD, giảm 1,8% so cùng kỳ năm 2020. Tuy kim ngạch nhập khẩu giảm nhưng con số này vẫn lớn hơn rất nhiều so với giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta trong 11 tháng đầu năm 2021 là 393 triệu USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động nhập khẩu như vậy đã gây thêm rất nhiều khó khăn cho sản xuất chăn nuôi trong nước. Trong khi, suốt năm 2021, người chăn nuôi đã phải gồng mình gánh lỗ vì đầu ra gặp khó khăn khi thị trường tiêu thụ bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi ngày càng gia tăng – Ảnh: Rbth
Ngành chăn nuôi Việt Nam liên tục phát triển trong gần 30 năm qua, với mức tăng trưởng bình quân 4 – 6%/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu. Nhiều lĩnh vực của chăn nuôi Việt Nam đã có thứ bậc cao trong khu vực và trên thế giới như: Quy mô đàn heo đứng thứ 6 – 7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới, công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, năng suất bò sữa và công nghiệp chế biến sữa đứng đầu các nước ASEAN… Xét tổng thể về hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ quản lý và quy mô đàn vật nuôi các loại, ngành chăn nuôi nước ta hoàn toàn có khả năng sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những năm tới đây.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vừa qua, một số dịch bệnh xuất hiện trên vật nuôi ở Việt Nam có nguyên nhân do nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ các nước về. Những dịch bệnh khác trên vật nuôi cũng có nguy cơ tiếp tục xâm nhiễm vào Việt Nam, đặc biệt nguy hiểm là những dịch bệnh mới này có khả năng lây truyền giữa động vật qua người. Theo đó, cần phải siết chặt hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi để bảo vệ chăn nuôi trong nước, hạn chế tối đa những sơ hở để dịch bệnh xâm nhập. Ngoài ra, sản phẩm nhập khẩu tràn lan ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước, nhất là hơn chục triệu hộ chăn nuôi cần được bảo hộ để có cơ hội phát triển, làm ăn hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thuốc thú y Amavet: “Trong nhập khẩu thực phẩm, vấn đề rất quan trọng là phải kiểm soát được an toàn. Điều này các nước làm rất chặt, chẳng hạn như khi Dịch tả heo châu Phi xảy ra ở Việt Nam, một du khách đem 1 cái bánh mì thịt từ Việt Nam vào Đài Loan đã bị phạt nặng. Thời gian qua, việc nhập khẩu thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi trong nước. Nếu chúng ta kiểm soát tốt việc nhập khẩu sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe, giúp cho sản xuất trong nước, nếu không kiểm soát chặt thì ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân. Việt Nam cần xây dựng hàng rào kỹ thuật với những tiêu chí rõ ràng trong việc kiểm soát sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu”.
Hải Băng