Hiệu quả mô hình chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP

Chăn nuôi bò từ lâu đã trở thành ngành nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, cũng như nhiều đối tượng vật nuôi khác, ngành nghề chăn nuôi bò đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực về giá, chất lượng thịt thương phẩm, trước sự đa dạng về nguồn thực phẩm và vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ trăn trở này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thịt bò trên thị trường, giảm chi phí trong chăn nuôi, nhất là bảo vệ tốt môi trường chăn nuôi bò.

Đến tham quan mô hình nuôi bò thịt, bò sinh sản theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Sơn Hiền, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), chúng tôi nhận thấy, mặc dù đàn bò tại hộ ông Sơn Hiền gần 20 con, nhưng khi đi vào chuồng trại tuyệt nhiên không có mùi hôi của chất thải. Nhanh tay nhặt mớ cỏ lên cho bò ăn, ông Sơn Hiền tâm tình: “Tôi nuôi bò hơn 10 năm nay, trước giờ chỉ việc làm chuồng trại đơn sơ là cho bò vào trú ngụ. Thời gian rảnh trong ngày, cứ việc bỏ thức ăn vào chuồng cho bò ăn, kể cả việc cho bò uống nước, nhớ giờ nào thì cho bò uống nước giờ đó. Chính vì vậy, đàn bò phát triển không được tốt lắm, minh chứng là bò sinh sản cùng thời điểm, nhưng việc tăng trưởng từng con bò khác nhau mà không biết được nguyên nhân. Đến năm 2019, gia đình tôi được ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, tôi đã tìm ra lý do là bò sinh cùng mẹ, nhưng chênh lệch nhau khi tăng trưởng là bởi khâu chăm sóc bò chưa hợp lý”.

Cũng theo thông tin từ ông Hiền, qua quá trình nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP, số lượng đàn bò của gia đình từ 11 con (năm 2019) nâng lên 18 con và đã bán 7 con bò thịt, thu về số tiền hơn 200 triệu đồng. Hiện tại trong chuồng nuôi có 10 con bò sinh sản, 2 bê và 6 con bò thịt. "Dự kiến tới đây, tôi nâng đàn bò sinh sản lên 15 con và duy trì đàn bò thịt cung ứng ra thị trường 10 con/năm” – ông Sơn Hiền chia sẻ thêm.

nuôi bò VietGAP

Ông Sơn Hiền, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) áp dụng quy trình nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: THÚY LIỄU

Khi triển khai nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình ông Hiền được ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng lại chuồng trại theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, chuồng nuôi thoáng mát và đảm bảo 5m2/con, cách xa nhà ở, khu dân cư theo quy định; chuồng nuôi có hệ thống xử lý chất thải bằng cách xây dựng hầm biogas làm chất đốt, dùng cho sinh hoạt gia đình hàng ngày; có hố sát trùng lối ra vào chuồng nuôi; triển khai diện tích trồng cỏ làm thức ăn tươi cho bò; có tủ thuốc thú y; tiêm phòng định kỳ các loại dịch bệnh thường gặp trên bò. Bên cạnh đó, việc vệ sinh chuồng nuôi bò, tắm bò, cho bò ăn, uống nước, thời điểm ngủ của bò được xây dựng cố định một giờ. Qua đó, tạo thói quen cho đàn bò, giúp đàn bò thoải mái khi chuồng trại luôn sạch sẽ, rộng rãi, thoáng mát, đàn bò tăng trưởng tốt và sinh sản hiệu quả.

Đồng chí Liễu Nghĩa Tín – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết: “Nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho hộ nuôi từ việc giảm chi phí đầu tư, hạn chế dịch bệnh trên bò đến đảm bảo tốt môi trường trong quá trình duy trì và phát triển nghề nuôi. Theo đó, mô hình nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP đã mở ra nhiều cơ hội cho người chăn nuôi nhỏ lẻ muốn mở rộng việc chăn nuôi lên gia trại, trang trại để cung ứng sản phẩm thịt bò sạch cho các cửa hàng cao cấp cũng như cung cấp bò giống có nguồn gốc và chất lượng giống tốt, đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi…”.

Thúy Liễu

Nguồn: Báo Sóc Trăng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *