Chăn nuôi an toàn để phát triển ổn định

Đó là cách mà chị Nguyễn Thị Hào và anh Lưu Văn Quân ở thôn Tân An, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh, Phú Yên) áp dụng cho trang trại gà của gia đình. Cách làm này vừa giúp mang lại thu nhập vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Theo chị Nguyễn Thị Hào, so với cách nuôi truyền thống, nuôi an toàn sinh học phải đầu tư kinh phí nhiều hơn. Nền là lớp đệm lót sinh học của trấu kết hợp vôi bột, được đảo hàng ngày. Chuồng được xây dựng thông thoáng với mái che cách nhiệt, giúp ổn định nhiệt độ theo mùa… Bù lại lợi ích mang lại rất lớn, đó là hạn chế mùi hôi ra môi trường xung quanh, vật nuôi ít bị bệnh. “Từ khi áp dụng phương pháp nuôi này, tôi thấy tỉ lệ gà nuôi sống đạt 95%, chi phí thức ăn, kháng sinh giảm và ít phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng…”, chị Hào nói thêm.

nuôi gà an toàn sinh học

Sử dụng nguồn thức ăn sạch, vật nuôi được bán với giá cao hơn. Ảnh: Ngọc Ly

Còn anh Lưu Văn Quân, chồng chị Hào, cho biết: Để đảm bảo nguồn thức ăn sạch, vợ chồng tôi đầu tư hệ thống ép cám viên tại nhà. Tận dụng các nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương như bắp, lúa, cỏ, đậu tương, cám… kết hợp với cây thuốc nam truyền thống gồm tỏi, cây sả, lá ổi, cây cỏ mực… tạo ra nguồn thức ăn an toàn vệ sinh giúp tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Nhờ đó, gà thịt nhà tôi luôn được khách hàng đánh giá thơm ngon, thịt dai, ngọt nên dù chúng tôi bán giá cao hơn giá gà công nghiệp từ 30-35% mà vẫn không đủ bán, phải khất lại khách lứa gà sau và khách vẫn chờ. Mỗi năm tôi xuất bán 2 lứa với số lượng trung bình 1.000 con/lứa. Hiện đàn gà nhà tôi có 1.600 con.

Theo chị Triệu Thị Thang ở gần trang trại gà của vợ chồng anh Quân, dù trang trại nuôi nhiều gia cầm nhưng quanh năm không nghe mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Không chỉ nuôi gà, vợ chồng anh Quân còn nuôi thêm 200 con ngan, 200 con vịt và gần 20 con heo rừng lai. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, việc chăn nuôi mang lại cho gia đình anh chị từ 100-120 triệu đồng.

Chị Nay Hờ Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh, nhận xét: Mô hình chăn nuôi theo hướng sinh học của gia đình anh Quân, chị Hào là một trong những mô hình phát triển kinh tế thân thiện với môi trường. Hiện chăn nuôi theo hướng an toàn đang là xu hướng sản xuất tất yếu nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững. Vì vậy, mô hình này cần được nhân rộng để góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất cũ của bà con.

Ngọc Ly – Hải Phong

Nguồn: Báo Phú Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *