Những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm của tỉnh có sự phát triển cả về quy mô và số lượng. Hiện tổng đàn gia cầm các loại đạt khoảng 8,7 triệu con, tăng gần 3 triệu con so với cách đây 5 năm. Toàn tỉnh có khoảng 120 trang trại chăn nuôi có quy mô từ 6.000 – 100.000 con gia cầm thịt và gia cầm đẻ. Để duy trì, phát triển đàn vật nuôi đòi hỏi người chăn nuôi phải quản lý, ngăn ngừa tốt dịch bệnh theo hướng an toàn sinh học; trong đó cần tiêm đầy đủ các loại vắc – xin phòng bệnh cho đàn gia cầm.
Trang trại chăn nuôi gà trắng theo hướng công nghiệp có quy mô 10 nghìn con của anh Phạm Văn Nhu, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) nhiều năm nay phát triển ổn định. Trang trại chưa từng bị các loại dịch bệnh xâm nhập, kể cả thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh… Có được kết quả đó, anh Nhu đầu tư hệ thống chuồng nuôi kín, có quạt thông gió và hệ thống làm mát. Trang trại được xây dựng trên vùng đất chuyển đổi của xã nằm xa khu dân cư. Quan trọng hơn, đàn gà luôn được anh Nhu tiêm phòng đầy đủ các loại vắc – xin phòng bệnh theo đúng chủng loại, kỹ thuật.
Anh Nhu cho biết: Chăn nuôi quy mô lớn, phòng chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Tôi không bỏ sót bất kỳ mũi vắc – xin nào cho đàn gà, tuân thủ chặt chẽ theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và cơ quan chuyên môn.
Trang trại chăn nuôi gà trắng của anh Phạm Văn Nhu, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) phòng chống dịch bệnh hiệu quả do đàn già được tiêm đầy đủ vắc xin.
Với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trong tỉnh, việc tiêm vắc – xin phòng bệnh cho đàn gia cầm được đặc biệt quan tâm. Anh Hoàng Mạnh Thường, xã Tiêu Động (Bình Lục) duy trì nuôi gần 20 nghìn con gà thịt/lứa. Tuy thời gian nuôi ngắn ngày, nhưng anh vẫn duy trì tiêm đầy đủ vắc – xin khi nhập đàn mới.
Còn bác Đỗ Văn Tùng ở Tổ dân phố Tứ Giáp, phường Duy Hải (thị xã Duy Tiên) luôn duy trì đàn thủy cầm (gồm vịt bầu và vịt trời) từ 5 – 7 nghìn con. Đàn thủy cầm được bác nuôi trên diện tích ao, đầm trũng rộng 3 ha. Do chăn nuôi ngoài tự nhiên rất dễ bị nguồn dịch bệnh xâm nhập, bác Tùng luôn chủ động tiêm vắc – xin phòng bệnh cho đàn thủy cầm chính vụ (vụ xuân và vụ thu). Đồng thời, hằng tháng tiêm bổ sung cho số lượng gia cầm mới nhập đàn khi đủ tuổi tiêm. Bác Tùng chia sẻ: Chi phí tiêm vắc – xin không đáng gì so với nếu bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Do đó tôi luôn chú trọng tiêm vắc – xin phòng các bệnh thường gặp cho đàn thủy cầm như dịch tả vịt, cúm gia cầm…
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) tỉnh không có cơ chế hỗ trợ các loại vắc – xin tiêm phòng cho đàn gia cầm, mà đều do hộ chăn nuôi tự mua. Theo kế hoạch tiêm phòng, đàn gia cầm phải được tiêm vắc – xin phòng bệnh ít nhất đạt 70% tổng đàn trong diện tiêm trở lên. Thực tế, những hộ chăn nuôi gia cầm quy mô tập trung cơ bản thực hiện tốt việc tiêm vắc – xin phòng bệnh khi đến tuổi. Khó khăn chính vẫn là những hộ nuôi nhỏ lẻ, quảng canh trong hộ gia đình do nguồn con giống thường mua ngoài thị trường tự do không rõ nguồn gốc… Hơn nữa, các hộ chăn nuôi số lượng ít, không chú trọng nhiều đến tiêm vắc – xin phòng bệnh. Đây là điều kiện để dịch bệnh dễ xâm nhập, phát sinh. Minh chứng là trong thời gian qua đã có rất nhiều ổ dịch cúm gia cầm (H5N1, H5N6) xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bên cạnh khó khăn trên, việc mua vắc – xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đều do người dân tự mua trong khi có người không nắm vững kỹ thuật và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn dẫn đến việc tiêm vắc – xin phòng bệnh cho gia cầm hiệu quả không cao. Như tháng 1/2021 đã xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại các hộ chăn nuôi có quy mô khá lớn, tại xã Nhân Chính (Lý Nhân) trên đàn gia cầm hơn 1.000 con và đàn gia cầm (vịt) trên 21 nghìn con tại xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng). Qua kiểm tra, các hộ đều thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc – xin, trong đó có vắc – xin cúm gia cầm H5N1. Tuy nhiên, dịch vẫn xảy ra là do các hộ mua loại vắc – xin cũ để tiêm phòng, trong khi virus cúm gia cầm đã xuất hiện những biến chủng mới.
Theo ông Đinh Huy Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN & PTNT), để phòng, chống hiệu quả các chủng virus cúm gia cầm đang lưu hành người dân cần mua các loại vắc – xin thế hệ mới của những đơn vị sản xuất có uy tín. Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, tránh thiệt hại kinh tế cho người dân.
Để phòng, chống dịch bệnh gia cầm hiệu quả, trong mỗi đợt tiêm vắc – xin phòng bệnh chính vụ (vụ xuân và vụ thu), cơ quan chuyên môn đều tuyên truyền, khuyến cáo và hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm các loại vắc – xin phòng chống tốt với các chủng virus đang lưu hành, có khả năng phát sinh dịch bệnh. Qua đó, người chăn nuôi lựa chọn đúng vắc – xin để tiêm phòng cho các đối tượng gia cầm. Hiện nay, các địa phương đang triển khai tiêm vắc – xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ thu năm 2022. Trong đó, đối tượng gia cầm được quan tâm nhằm bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đề ra.
Sau các ổ dịch cúm gia cầm H5N6 từ đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện thêm ổ dịch bệnh nào gây thiệt hại lớn cho đàn gia cầm. Đây là điều kiện tốt để sản xuất của người dân duy trì ổn định và phát triển. Đàn gia cầm đã chứng minh hiệu quả, nhất là trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi bùng phát, cộng với giá lợn hơi xuất chuồng bấp bênh trong cả thời gian dài. Hiện nay đang là giai đoạn chuyển mùa, nhu cầu vận chuyển, buôn bán gia cầm tăng cao rất dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Để duy trì, phát triển đàn vật nuôi đòi hỏi người chăn nuôi phải quản lý, ngăn ngừa tốt dịch bệnh theo hướng an toàn sinh học; trong đó cần tiêm đầy đủ, đúng các loại vắc – xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, kể cả ở các hộ chăn nuôi quy mô tập trung và nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Mạnh Hùng
Nguồn: Báo Hà Nam