Với bản tính cần cù, dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Ngọc Minh (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) mạnh dạn đầu tư vốn thực hiện mô hình nuôi thỏ. Đến nay, mô hình nuôi thỏ của ông Minh mang lại hiệu quả bước đầu, giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn trước nhờ mức thu nhập khá cao.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Minh cho biết: “Trước đây, gia đình chủ yếu trồng cây ăn trái nhưng cứ gặp điệp khúc “được mùa, mất giá”. Với mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng kết hợp phát huy thế mạnh về đất đai cũng như nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, năm 2020, tôi bắt tay thử nghiệm mô hình nuôi thỏ với 10 con thỏ giống”.
Đối với nhiều nông dân vùng biên giới như ông Minh, thỏ là vật nuôi còn khá mới. Vì vậy, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ thuật nuôi, chăm sóc thỏ thông qua Internet và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thỏ hiệu quả khác. Sau thời gian thực hiện mô hình, nhận thấy việc nuôi thỏ khá đơn giản, có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ ổn định nên ông Minh mạnh dạn mở rộng mô hình. Hiện trang trại của ông có hơn 1.000 con thỏ, trong đó có 100 con thỏ sinh sản.
Mô hình nuôi thỏ của ông Nguyễn Ngọc Minh thành công, mang lại hiệu quả bước đầu, giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định hơn trước nhờ mức thu nhập khá cao
Ông Minh chia sẻ: “Nuôi thỏ mang lại giá trị kinh tế cao nhưng muốn thành công cần phải nắm được một số đặc điểm về sinh lý, tiêu hóa, sinh sản, kỹ thuật nuôi và chăm sóc thỏ theo từng lứa tuổi. Kỹ thuật nuôi thỏ không khó, quan trọng là phải chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và phải luôn nỗ lực, không nản lòng khi gặp khó khăn thì mới thành công được”.
Thỏ là vật nuôi nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh nên trang trại được ông Minh thiết kế kỹ lưỡng, thông thoáng, thường xuyên dọn vệ sinh, đặc biệt là hệ thống nước uống tự động, bảo đảm luôn được cung cấp đầy đủ nước cho thỏ. Nguồn thức ăn cho thỏ khá dồi dào, dễ kiếm, dễ trồng và sẵn có quanh năm, từ các loại cỏ, lá cây, củ, quả,… cho đến các loại thức ăn viên chuyên dụng. Theo ông Minh, người nuôi nên thay đổi nguồn thức ăn phù hợp với điều kiện sinh trưởng của thỏ.
Thỏ mẹ sinh sản một lứa từ 6 – 8 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi là có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2 – 2,5 kg là có thể bán. Bình quân mỗi tháng, trang trại của ông Minh cho xuất chuồng từ 100 – 200 con thỏ thương phẩm với giá bán dao động từ 70.000 – 75.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Minh có thu nhập ổn định gần 20 triệu đồng/tháng.
“Trong quá trình nuôi thỏ cần chăm sóc kỹ để thỏ không bị bệnh. Các bệnh cần phòng cho thỏ là ghẻ, cầu trùng, nấm, bại liệt,… Khi mới bắt đầu nuôi thỏ, tôi cũng lo lắng đầu ra nhưng hiện nay được nhiều thương lái tìm mua nên yên tâm hơn” – ông Minh cho biết thêm.
Có thể thấy, mô hình nuôi thỏ của ông Minh mang lại thành công bước đầu, mở ra hướng đi mới cho nông dân, góp phần nâng cao thu nhập. Đây là mô hình khép kín kết hợp nuôi thỏ và trồng cây ăn trái, phù hợp điều kiện thực tế, đầu ra ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 – 7 lao động tại địa phương. Thời gian tới, ông Minh tiếp tục đầu tư nâng cấp trang trại nuôi thỏ. Không giấu bí quyết thành công cho riêng mình, ông Minh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có ý định gắn bó với nghề nuôi thỏ./.
Huỳnh Hương
Nguồn: Báo Long An