Sau Tết, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rục rịch tái đàn để duy trì quy mô chăn nuôi, ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm (GSGC) vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm nhắc lại vắc xin, bổ sung vitamin… để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trước khi tái đàn.
Toàn tỉnh hiện có 17,6 nghìn con trâu; hơn 103,6 nghìn con bò; 466,2 nghìn con lợn nái, tăng 3,64% và hơn 12 triệu con gia cầm. Sau Tết, tại nhiều nơi chăn nuôi quy mô lớn của tỉnh như Hoàng Hoa (Tam Dương), Thanh Vân (Tam Dương), Quang Sơn (Lập Thạch)… người chăn nuôi đang rục rịch tái đàn để khôi phục sản xuất, duy trì quy mô và ổn định đàn vật nuôi.
Tại gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn 12, xã Hoàng Hoa (Tam Dương) những ngày này, công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại đang được chị và các thành viên trong gia đình tập trung triển khai để chuẩn bị vào lứa gà đẻ mới, thay thế cho lứa gà cũ sau 1 năm chăn nuôi.
Sau Tết, gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn 12, xã Hoàng Hoa (Tam Dương) tập trung tiêu độc khử trùng chuồng trại và tái đàn với quy mô 5.000 con gà đẻ.
Với mô hình nuôi gà đẻ trứng thường xuyên duy trì tổng đàn có quy mô 10.000 con, mỗi ngày gia đình cung ứng ra thị trường từ 7.000 – 8.000 trứng. Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, trước Tết, gia đình chị đã thay 50% tổng đàn và tập trung khử trùng tiêu độc chuồng trại để tái đầu tư chăn nuôi, ổn định quy mô đàn vật nuôi sau Tết.
Chị Liên cho biết: "Năm nào cũng vậy, gia đình tôi thường xuất bán 50% đàn gà đẻ trước Tết và để trống chuồng trại đến mùng 6 tháng Giêng hàng năm lại tiếp tục vào 5.000 con gà đẻ để duy trì chăn nuôi tại chỗ chứ không mua thêm giống bên ngoài. Đồng thời, chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng cách tiêm vắc xin phòng dịch, vệ sinh phòng bệnh đúng quy định, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi và nhất là lựa chọn con giống tốt để bảo đảm năng suất".
Trang trại chăn nuôi rộng hơn 3 ha của Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt tại thôn Cao Quang, xã Cao Minh (Phúc Yên) được thiết kế theo mô hình khép kín, đầu tư máy tự trộn thức ăn giúp kiểm soát lượng ngô, đậu tương, cám gạo, vitamin tổng hợp hay kháng sinh trong thức ăn; trang bị hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi… với quy mô chăn nuôi thường xuyên 325 con nái mẹ; 500 con lợn con, 1.000 con lợn thịt.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, công ty đã xuất bán ra thị trường 500 con lợn thịt, chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội, đạt doanh thu 3 tỷ đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Văn Hà, cán bộ kỹ thuật – Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt cho biết: Để chủ động sản xuất thực phẩm phục vụ người tiêu dùng, công ty đã lên kế hoạch thay thế 40% đàn nái trong năm 2022. Ra Tết, đơn vị sẽ bắt tay ngay vào việc thay thế 60 con nái.
Ðể việc tái đàn, tăng đàn hạn chế rủi ro, công ty đã xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng con giống tốt, đảm bảo chất lượng từ trước đó; việc tăng số lượng đàn lợn luôn bảo đảm an toàn sinh học cho cả quá trình nuôi để đem lại hiệu quả.
Trước khi vào đàn, đơn vị luôn chú trọng việc vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng sinh học, an toàn, tuân thủ chặt chẽ quy trình tiêm phòng vắc xin….
Sau Tết là khoảng thời gian thuận lợi để các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh mua con giống, tập trung tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa khiến dịch bệnh trên đàn GSGC có nguy cơ bùng phát nếu công tác phòng, chống dịch bệnh không được chú trọng.
Thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương triển khai việc tái đàn, nhanh chóng ổn định, khôi phục chăn nuôi, ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ nên lựa chọn con giống chất lượng để kiểm soát được dịch bệnh trước khi nhập đàn, tránh gây thiệt hại khi bước vào vụ nuôi mới; chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin và phun tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Đồng thời, trước khi tái đàn cần tìm hiểu thông tin về thị trường, lượng cung cầu và nơi tiêu thụ sản phẩm để lựa chọn quy mô con nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi; tăng cường kiểm soát vận chuyển GSGC, sản phẩm từ GSGC. Tích cực triển ứng dụng tiến bộ KHKT gắn đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.
Bài, ảnh: Bảo Anh
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc