Kon Tum: Thay đổi trong chăn nuôi gia súc ở vùng đồng bào DTTS

Phương thức chăn nuôi lạc hậu, thả rông, chưa quan tâm khai thác giá trị kinh tế từ việc chăn nuôi gia súc vẫn là cách làm phổ biến trong đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong chăn nuôi của đồng bào DTTS đang là việc làm được chính quyền các địa phương và ngành Nông nghiệp chú trọng.

Kon Plông là địa phương có đàn trâu, bò khá lớn, với khoảng 8.400 con trâu và trên 2.000 con bò. Trâu, bò được người dân nuôi nhiều, nhưng trong một thời gian dài, một số nơi, bà con nuôi chưa xem trâu, bò là hàng hóa mà chỉ dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp (cày hoặc giẫm ruộng) hoặc làm vật trao đổi, hiến tế trong lễ hội của các gia đình; thôn, làng.  Tập quán chăn nuôi thả rông, để gia súc tự kiếm ăn mà không chăn dắt, không làm chuồng trại khiến trâu, bò còi cọc, dễ mắc bệnh, hay bị chết rét vào mùa lạnh. Vì vậy, hiệu quả chăn nuôi kém, làm mất vệ sinh môi trường; gia súc phá hoại hoa màu gây thiệt hại về kinh tế, gây bất hòa trong cộng đồng.

Để phát huy lợi ích của chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian qua, huyện Kon Plông tích cực vận động, hỗ trợ người dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” làm trong chăn nuôi.

chăn nuôi gia súc

Các hộ đồng bào DTTS biết làm chuồng trại, dự trữ thức ăn để nuôi trâu, bò. Ảnh: TH

Ông Phạm Thanh Bình- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kon Plông cho biết: Phòng NN&PTNT cùng với chính quyền, Mặt trận đoàn thể các địa phương đã vận động, huy động các nguồn hỗ trợ người dân làm chuồng trại để nhốt gia súc; chủ động dự trữ rơm rạ, trồng các loại cây làm thức ăn chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ, không thả rông, nhất là khi trời rét. Đến nay, đa số người dân đã biết làm cây rơm, trồng thêm cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn; xây dựng chuồng che chắn gió; đưa trâu, bò về chuồng nuôi nhốt khi thời tiết lạnh giá, mưa gió thất thường. Nhờ đó, gần đây, tình trạng trâu, bò bị chết do thiên tai, giá rét đã được hạn chế, người chăn nuôi giảm được thiệt hại.

Với thế mạnh về diện tích đất tự nhiên rộng, huyện Đăk Glei có điều kiện để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Toàn huyện hiện có gần 3.500 con trâu và trên 11.500 con bò; tuy vậy trong một thời gian dài, việc chăn nuôi ở nơi đây chưa thực sự bền vững, hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng.

Bởi, dẫu coi trâu, bò là tài sản quý, nhưng ở một số nơi trên địa bàn huyện Đăk Glei, đồng bào DTTS vẫn chỉ dùng để trao đổi và là vật cúng tế trong các lễ hội quan trọng. Lối chăn nuôi lạc hậu, theo kiểu “nuôi gửi” núi rừng, mặc cho trâu, bò tự kiếm ăn, tự sinh sôi nảy nở, họa hoằn gia chủ mới vào thăm cho chúng ăn thêm chút muối để không trở thành trâu, bò hoang. Trâu, bò được nuôi nhiều, nhưng nhiều gia đình không bán mà cứ để già, chết rồi đem thịt; vì thế, không phát huy được giá trị kinh tế.

Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Đăk Glei đề ra định hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc bền vững dựa trên các tiềm năng sẵn có của địa phương. Huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi đại gia súc chuyển từ chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi có chuồng trại, gắn với phòng, chống dịch bệnh.

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Đăk Glei, cùng với sự hỗ trợ tích cực về khoa học kỹ thuật của ngành Nông nghiệp, người dân ở nhiều làng đồng bào DTTS bước đầu đã biết chuyển từ nuôi phân tán, chăn thả tự do sang chăn nuôi tập trung, có chuồng trại gắn với phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ môi trường.

chăn nuôi trâu bò

Tuyên truyền, vận động tạo chuyển biến trong chăn nuôi trâu, bò. Ảnh: TH

Cũng như Kon Plông và Đăk Glei, huyện Đăk Hà xác định việc phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Hai năm qua, huyện đã huy động các nguồn được 1,2 tỷ đồng hỗ trợ 1.600 hộ đồng bào DTTS mua con giống, làm chuồng trại. Qua việc tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền địa phương cơ sở, người dân nhiều làng đồng bào DTTS đã biết tận dụng những diện tích đất bồi ven suối, quanh vườn để trồng cỏ, sử dụng thân cây bời lời, tre, nứa sẵn có để chuồng trại để chăn nuôi; đồng thời dùng nguồn phân chuồng để bón cho cây trồng…

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tổng đàn trâu hiện có trên địa bàn tỉnh khoảng 24.700 con, đàn bò trên 84.400 con. Thực tế, việc chăn nuôi nói chung, nhất là ở các vùng đồng bào DTTS chủ yếu là nhỏ lẻ, quảng canh, chuồng trại chưa đảm bảo, chưa áp dụng biện pháp an toàn dịch bệnh. Vì vậy, để huớng đến sản xuất, chăn nuôi sạch giúp nâng cao hiệu quả, gia tăng nguồn thu cho nông dân, ngành Nông nghiệp đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung, an toàn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu đến năm 2025, đàn trâu của tỉnh đạt khoảng 27.000 con, đàn bò đạt 110.000 con.

Thiên Hương

Báo Kon Tum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *